Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Đại hội Đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017-2022.
Giáo dục hướng nghiệp mang tính hình thức
Anh Nguyễn Văn Linh, Phó Bí thư Thị đoàn Mường Lay (Điện Biên) cho rằng giáo dục định hướng nghề trong nhà trường hiện còn mang tính hình thức, nặng về "đọc- chép", khiến các học sinh không được liên hệ và áp dụng vào thực tiễn.
Phó Bí thư Thị đoàn Mường Lay kiến nghị một số giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp như chú trọng thực hành, liên hệ với thực tiễn. Tham gia giảng dạy tại các chương trình dạy nghề không nhất thiết phải là các thầy cô giáo mà có thể là các thợ có tay nghề cao.
Nhiều bạn trẻ quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp, việc làm
Bí thư đoàn cơ sở xã Hiệp Phước, (Nhà bè, TP Hồ Chí Minh) Trần Thị Hồng Hạnh cũng cho rằng, không ít sinh viên ra trường thất nghiệp, làm trái ngành, trái nghề do ngay từ ban đầu chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng.
Ngoài nội dung hướng nghiệp, nhiều đại biểu cũng chia sẻ những khó khăn và đề xuất nhóm giải pháp công tác tư vấn và hỗ trợ DN khởi nghiệp về các vấn đề pháp lý.
Bí thư Đoàn phân hiệu trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh tại Gia Lai Nguyễn Thành Dương quan tâm đến chính sách hỗ trợ cho học viên khi bị tăng mức học phí và kiểm soát cơ chế quản lý tại các cơ sở giáo dục dạy nghề khi được giao quyền tự chủ, dễ dẫn đến hiện tượng tạo bè phái, trở thành các "gia đình trường".
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương khẳng định, những hỗ trợ về khuôn khổ pháp lý cho DN khởi nghiệp đã được hình thành, nằm trong Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa mới được Quốc hội thông qua. Các quy định của Luật sẽ hỗ trợ cho DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh; cho DN khởi nghiệp sáng tạo và tham gia các cụm, liên kết ngành và chuỗi giá trị.
Chính phủ cũng đã có Nghị quyết 35/NQ-CP gắn với chương trình thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2016-2021, tập trung hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020, đưa ra các yêu cầu đối với các bộ, ngành, địa phương tập trung vào nhóm giải pháp quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN nhỏ và vừa.
Theo quy định của Luật DN nhỏ và vừa, sẽ thành lập quỹ hỗ trợ để cung cấp nguồn vốn theo định hướng khuyến khích DN khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo. Dự kiến, Quỹ này được cấp khoảng 300 tỷ đồng. Các quy định, quy chế để DN tiếp cận nguồn vốn này đang được hoàn thiện.
"Công tác định hướng nghề nghiệp đã được thực hiện nhưng còn chưa được rộng khắp và chưa sát với nhu cầu thực tiễn của các bạn trẻ. Sau khi tốt nghiệp THCS, các bạn trẻ có thể lựa chọn học lên THPT hoặc học nghề phù hợp với lứa tuổi mà sau này các bạn mong muốn. Các bạn trẻ không nhất thiết chọn con đường vào đại học mà cần cân nhắc, định hướng nghề nghiệp ngay từ THCS và THPT" - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư nêu.
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng tâm lý chung của thanh niên Việt Nam là muốn đi học đại học. Tuy nhiên, để học đại học, người học phải bảo đảm năng lực và nhiều điều kiện cụ thể khác như về kinh tế.
Theo Bộ trưởng, hướng nghiệp tốt nhất là xã hội định hướng còn mỗi người tự chọn cho mình công việc phù hợp. Học đại học là chính đáng, cần thiết nhưng đây không phải là con đường duy nhất để lập thân lập nghiệp.
Quang cảnh buổi đối thoại
Năm 2018: Đột phá trong giáo dục nghề nghiệp
Hiện cả nước có 1974 trường cao đẳng trung cấp nghề và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang sắp xếp để chuẩn bị trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp theo hướng ở cấp tỉnh, mỗi địa phương có một trường cao đẳng dạy nghề. Ở các huyện sáp nhập các trường lại nhưng hướng chung là mở các trường tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài. Các trường này do DN mở, đào tạo lao động cho chính mình.
"Bộ xác định năm 2018 là năm đột phá trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Tổng cục giáo dục nghề nghiệp đang xây dựng đề án đổi mới chất lượng và nâng cao giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 10 nhóm giải pháp lớn, hướng tới giáo dục nghề nghiệp phải làm sao lượng người học phải đông lên. Các học viên sau tốt nghiệp có việc làm, có thu nhập ngày càng cao hơn và được học liên thông lên cao đẳng, lên ĐH và thậm chí cao hơn. Cuối cùng, xã hội phải coi học nghề là việc bình thường. Những người có nhu cầu học nghề, có hoàn cảnh phù hợp học nghề thì đều chọn được con đường lập thân, lập nghiệp của bản thân", Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khẳng định.
Một số bước đột phá sẽ thực hiện: Trong trường nghề, phải giảm học lý thuyết, tăng học thực hành. Giao cho các trường quyền tự chủ về đội ngũ lãnh dạo, quản lý, về tài chính. Bên cạnh đó, đột phá về việc gắn kết DN với trường là một. DN đem máy móc vào nhà trường và nhà trường được lập DN. Trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ấn định chương trình, số môn, số tiết, số giờ... nay liên bộ chỉ đưa ra chương trình khung, còn lại các trường tự quyết chương trình cụ thể…
Hoan Nguyễn