Xu thế tất yếu
Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Thái Nguyên, khẳng định: việc cấp mã số vùng trồng là một xu thế tất yếu trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), mẫu mã, chất lượng và khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.
Mã số vùng trồng là công cụ định danh quan trọng, giúp theo dõi, kiểm soát quá trình sản xuất, chất lượng và truy xuất nguồn gốc cây trồng. Hiện có hai loại mã số: phục vụ xuất khẩu do Cục BVTV cấp và phục vụ tiêu thụ nội địa do Sở Nông nghiệp và PTNT (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) cấp.

Rào cản không nhỏ để có mã số
Để được cấp mã số vùng trồng, các vùng sản xuất phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Đối với mã số nội tiêu, diện tích tối thiểu là 0,1ha và phải tuân thủ các quy trình sản xuất đảm bảo ATTP như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, 4C, các tiêu chuẩn bền vững, đồng thời có chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
Đặc biệt, các thông tin về truy xuất nguồn gốc, đối tượng cây trồng, giống, diện tích, tiêu chuẩn áp dụng, sản lượng dự kiến và thực tế, thời gian thu hoạch, thị trường tiêu thụ phải được cập nhật theo từng vụ hoặc chu kỳ thu hoạch sau khi được cấp mã số.
Đối với xuất khẩu, yêu cầu còn cao hơn về diện tích (tối thiểu 10ha đối với cây ăn quả), quản lý sinh vật gây hại theo yêu cầu kiểm dịch của nước nhập khẩu, chỉ sử dụng thuốc BVTV được phép và không chứa hoạt chất cấm theo quy định của thị trường xuất khẩu.
Mở rộng thị trường tiêu thụ
Mặc dù quy trình cấp mã số khắt khe, nhưng lợi ích mang lại là không nhỏ. Mã số vùng trồng đang giúp nông sản chủ lực của Thái Nguyên nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị bền vững và mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong nước lẫn quốc tế.
HTX chè Trung du Tân Cương là một điển hình. Ông Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc HTX, cho biết 15ha chè của đơn vị đã được cấp mã số vùng trồng. Việc tuân thủ các yêu cầu đã giúp HTX nâng cao kiến thức về sản xuất an toàn, ghi chép nhật ký tỉ mỉ và áp dụng mã QR truy xuất nguồn gốc, từ đó tạo ra sản phẩm an toàn, được thị trường tin tưởng hơn.
Tổ hợp tác sản xuất cây ăn quả an toàn Tân Quang (TP. Sông Công) cũng chứng minh hiệu quả của mã số vùng trồng. Năm 2024, 1ha ổi VietGAP của tổ hợp tác đã được cấp mã số và được các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch bao tiêu, giúp giá trị thu được tăng khoảng 30%. Tổ hợp tác đang hướng tới việc có thêm 5-7ha cây ăn quả được cấp mã số.
Vượt qua rào cản để nhân rộng
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tá cũng chỉ ra những "rào cản" trong việc mở rộng diện tích cấp mã số vùng trồng tại Thái Nguyên, đó là tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và việc một số hộ dân chưa ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất. Ông khuyến cáo người dân nên tập trung cấp mã số cho các cây trồng chủ lực, có thế mạnh và giá trị kinh tế cao.
Trong thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, thẩm định và hướng dẫn cấp mã số vùng trồng theo kế hoạch của tỉnh và nhu cầu của người dân, đồng thời chú trọng quản lý nông sản an toàn và bảo vệ môi trường sinh thái.
Tâm An (t/h)