Theo đó, thời điểm khoảng tháng 8, 9, 10 năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ sở y tế trong tỉnh quá tải, tỉnh Đồng Nai triển khai cách ly các trường hợp F0, F1 tại nhà. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch và quản lý các trường hợp F0, F1 trên địa bàn, hơn 230 trạm y tế lưu động đã được thành lập tại các xã, phường, thị trấn…
Đến tháng Tám năm 2022, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát tốt, UBND tỉnh ban hành văn bản số 8540 chỉ đạo và chấp thuận chủ trương giải thể các trạm y tế lưu động trên địa bàn tỉnh.
Sở Y tế giao trung tâm y tế các huyện, thành phố căn cứ tình hình dịch bệnh của địa phương, đánh giá trạm y tế lưu động nào không cần thiết phải duy trì thì chủ động lập kế hoạch tham mưu, đề xuất UBND các huyện, thành phố ban hành quyết định giải thể theo thẩm quyền.
Khi giải thể, cần lưu ý thu hồi, tiếp tục điều chuyển các loại thuốc, trang thiết bị và vật tư y tế để tiếp tục sử dụng và điều trị cho bệnh nhân. Nhân lực y tế huy động từ các cơ sở y tế và các tình nguyện viên sẽ kết thúc nhiệm vụ để trở về nơi công tác. Trong trường hợp cần thiết sẽ huy động trở lại. Chế độ chính sách của các cán bộ nhân viên y tế tham gia trạm y tế lưu động được thực hiện theo quy định…
Cũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tính đến nay, tỉnh Đồng Nai đã tiêm tổng cộng hơn 8,4 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho người dân từ 5 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1, 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%; tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 12-17 tuổi đạt 43,1%; tỷ lệ mũi 3, 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt lần lượt là 68,9% và 69,1%.
Phong Vân