Theo đó, Trưởng Trạm Y tế lưu động phân công cụ thể nhiệm vụ từng thành viên của Trạm quản lý cụ thể số lượng F0. Trạm y tế lưu động chịu trách nhiệm theo dõi sức khỏe của tất cả F0 trong danh sách hoặc khu vực được giao. Tùy số lượng F0 và nguồn nhân lực, Trạm y tế lưu động tập trung ưu tiên khám, chữa bệnh, theo dõi sức khỏe tại nhà cho các trường hợp F0 có dấu hiệu bệnh, có biểu hiện hoặc có nguy cơ bệnh diễn biến nặng hơn.
Đồng thời, ghi chép, cập nhật thông tin về tình trạng sức khỏe người nhiễm Covid- 19 hằng ngày và ghi vào các phiếu theo dõi sức khỏe người nhiễm Covid-19 theo quy định hoặc phần mềm quản lý sức khỏe người nhiễm Covid-19. Tiếp nhận các cuộc gọi điện thoại và tư vấn cho người nhiễm Covid-19, người chăm sóc.
Đáng chú ý, đến nhà người nhiễm Covid-19 để hỗ trợ trực tiếp, trong các trường hợp: Không nhận được báo cáo về tình trạng sức khỏe của người nhiễm Covid-19 và không liên lạc được với người nhiễm Covid-19 hoặc người chăm sóc. Người nhiễm Covid-19 có tình trạng cấp cứu cần xác định mức độ để có hướng xử trí phù hợp.
Bên cạnh đó, về việc khám bệnh, kê đơn, xử trí điều trị triệu chứng tại nhà cho bệnh nhân Covid-19: trường hợp người lớn sốt trên 38,5°C hoặc đau đầu, đau người nhiều: Uống mỗi lần 01 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5g, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 04 viên, uống oresol nếu uống kém, giảm hoặc có thể dùng uống thay nước. Riêng đối với trẻ em sốt trên 38,5°C, uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10- 15mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ, không quá 4 lần/ngày.
Trường hợp ho kê đơn dùng thuốc giảm ho thông thường; có thể dùng thêm các vitamin. Hướng dẫn F0 dùng thuốc kháng viêm, chống đông, thuốc kháng virut (nếu có) theo quy định của Bộ Y tế; hướng dẫn sử dụng túi thuốc an sinh mà F0 nhận được (nếu có). Lưu ý tất cả các trường hợp F0 khám, theo dõi và điều trị tại nhà chỉ là các trường hợp nhẹ hoặc không có triệu chứng. Các trường hợp tiên lượng nặng hoặc ca bệnh nhẹ ở người có các bệnh mạn tính hay người cao tuổi cần được chuyển điều trị tại các cơ sở y tế có buồng bệnh hồi sức tích cực.
Bên cạnh đó, đối với F0 cách ly tại nhà: Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà (Realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) cho người nhiễm Covid-19 vào ngày 14 để chuẩn bị kết thúc thời gian cách ly. Riêng với người chăm sóc, người ở cùng nhà: Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà (Realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) định kỳ 3 ngày/lần cho đến khi kết thúc thời gian cách ly của hộ gia đình.
Ngoài ra, đối với người dân trên địa bàn: Lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp sốt, ho, đau họng, hội chứng cúm, viêm đường hô hấp tại cộng đồng, cơ sở điều trị, các hiệu thuốc trên toàn địa bàn. Tùy theo tình hình dịch tại địa bàn, đánh giá dịch tễ để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tại khu vực khoanh vùng dịch tễ. Lấy mẫu gộp theo hộ gia đình hoặc lấy mẫu đơn căn cứ theo tình hình dịch và hướng dẫn của cơ quan quản lý y tế cấp trên.
PV