Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai, tính đến hết tháng 01/2023, toàn tỉnh có khoảng 300 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và thời gian nợ từ 03 tháng trở lên với số tiền gần 800 tỷ đồng.
Trong đó, nợ bảo hiểm xã hội là 567 tỷ đồng, nợ bảo hiểm y tế gần 105 tỷ đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp 30 tỷ đồng và nợ lãi 95 tỷ đồng.
Đặc biệt, 19 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội kéo dài với số tiền hơn 141 tỷ đồng.
Bảo hiểm xã hội tỉnh đang tăng cường thúc đẩy, đôn đốc việc thực hiện thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt ứng dụng VssID để người lao động theo dõi và giám sát việc tham gia bảo hiểm xã hội của chủ sử dụng lao động để chủ động có biện pháp bảo vệ quyền lợi.
Ở diễn biến liên quan, theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cộng dồn đến hết năm 2022 có hơn 2,13 triệu lao động bị doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội từ một đến dưới ba tháng; 440.800 người bị nợ đóng từ ba tháng trở lên và gần 213.400 người bị "treo" sổ tại các doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động, nợ bảo hiểm xã hội khó thu hồi. Số đang bị nợ bảo hiểm xã hội chiếm 17,4% tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Việc chậm đóng diễn ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp với số tiền phải tính lãi hơn 13.150 tỷ đồng, chiếm 2,91% tổng số phải thu. So với năm 2021, tiền chậm đóng tính lãi tăng thêm hơn 660 tỷ đồng. Riêng tiền nợ khó thu hồi tại doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn hơn 4.000 tỷ đồng.
Phong Vân (t/h)