Theo bà Trang, hiện tài xế của Grab được coi là đối tác không phải người lao động nên các chính sách an sinh xã hội chưa được quan tâm.
"Tuy hiện nay đã có bảo hiểm xã hội theo hình thức tự nguyện nhưng chúng tôi nhận thấy những quyền lợi chưa thực sự phù hợp với nhu cầu, đặc điểm nghề nghiệp và thu nhập của các cá nhân làm việc tự do hay tham gia vào các mô hình kinh tế chia sẻ", bà Trang cho hay.
Hiện quyền lợi của mô hình này rất hạn chế chỉ có hưu trí hay tử tuất và không có các quyền lợi như ốm đau, thai sản, tai nạn hay bệnh nghề nghiệp. Điều này gây tâm lý ngần ngại khi tài xế phải trích một phần thu nhập ra đóng bảo hiểm tự nguyện thay vì được công ty khấu trừ tại nguồn. Bên cạnh đó, hiểu biết của tài xế về bảo hiểm tự nguyện còn rất thấp.
Do đó, Grab đề xuất bổ sung quyền lợi cho bảo hiểm xã hội tự nguyện, đặc biệt là thêm các quyền lợi cơ bản như: Thai sản hay bệnh nghề nghiệp,… và bổ sung các kênh đóng và phương thức đóng để người lao động dễ dàng tham gia bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, Grab cũng đề nghị Chính phủ triển khai thêm các chính sách thúc đẩy nền kinh tế chia sẻ. Trong hai năm vừa qua, các giải pháp cho nền kinh tế chia sẻ chưa thực sự nhiều và hiệu quả với doanh nghiệp.
Minh Đức