Cụ thể ngày 12/9, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch tỉnh UBND tỉnh Đồng Nai đã ký Văn bản, về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến tín dụng đen trên địa bàn.

Tại văn bản này, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các sở ban ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến về hành vi vi phạm trong hoạt động tín dụng đen. Trong đó, tập trung hướng đến những người dễ trở thành nạn nhân của loại hình này như khó khăn về kinh tế, công nhân, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp….

Thành lập tổ liên ngành để kiểm tra các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp có biểu hiện hoạt động tín dụng đen hoặc móc nối, tiếp tay cho hoạt động tín dụng đen.

Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Ngân hàng nhà nước - chi nhánh Đồng Nai chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để rà soát các tài khoản ngân hàng không chính chủ. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành để cung cấp các thông tin, tài liệu phục vụ xác minh, xử lý tội phạm theo các quy định của pháp luật.

Hoạt động tín dụng đen trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Ảnh: KT
Hoạt động tín dụng đen trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Ảnh: KT

Trước đó, theo thông tin UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” đạt kết quả tích cực. Nhiều băng nhóm hoạt động đã bị xử lý, tự tan rã, các hành vi đòi nợ, siết nợ, tạt sơn… không còn manh động như trước.

Tuy nhiên, hoạt động tín dụng đen vẫn còn nhiều tiềm ẩn phức tạp như xu hướng các loại tội phạm núp bóng doanh nghiệp, chia thành nhiều bộ phận, sử dụng công nghệ cao nhằm thực hiện các hoạt động thanh toán, chi hộ, thu hộ, rửa tiền, có người nước ngoài chỉ đạo điều hành.

Các nhóm tội phạm hoạt động không phân biệt địa bàn, xuyên quốc gia, lợi dụng các dịch vụ trung gian thanh toán để cắt giảm các công đoạn thực hiện trực tiếp, như: lừa đảo, tổ chức đánh bạc, mua bán người, bộ phận cơ thể người, mua bán tài khoản, dữ liệu cá nhân, xâm nhập mạng máy tính, mạng viễn thông…

Theo ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch tỉnh UBND tỉnh Đồng Nai cho hay, thời gian tới tình hình kinh tế, lao động và việc làm vẫn gặp nhiều khó khăn nên nhu cầu tài chính trong nhân dân sẽ tăng cao. Vì vậy, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động tín dụng đen sẽ phức tạp, các băng nhóm hoạt động tín dụng đen lợi dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để hoạt động.

Bên cạnh đó tình trạng người nước ngoài cấu kết thành lập các doanh nghiệp núp bóng, sử dụng công nghệ cao móc nối với các công ty tài chính, trung gian thanh toán, ví điện tử để hoạt động tín dụng đen gia tăng…

Theo báo cáo của Công an tỉnh Đồng Nai, trong thời gian 6 tháng thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen (từ tháng 9/2023 đến tháng 2/2024) đã phát hiện xử lý 16 vụ với 37 người liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Trong đó, có 23 bị can đã bị khởi tố, xử phạt hành chính.

Tuấn Ngọc