Từng lao dốc xuống mức thấp kỷ lục vào đầu tháng Ba, đồng Ruble đã bắt đầu lấy đà đi lên. Điều này có nghĩa là các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây không thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga nhiều như họ kỳ vọng?

Nhà phân tích cao cấp Jason Bush tại công ty tư vấn Eurasia đã chỉ ra sức mạnh của nền kinh tế Nga trong bối cảnh xung đột với Ukraine và những đòn trừng phạt dữ dội từ phương Tây.

Phục hồi ngoạn mục

Xuất khẩu năng lượng cung cấp một dòng tiền khổng lồ chảy vào ngân khố của Nga và đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ đồng Ruble. Nguồn Shutterstock
Xuất khẩu năng lượng cung cấp một dòng tiền khổng lồ chảy vào ngân khố của Nga và đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ đồng Ruble. Nguồn Shutterstock.

Các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và phương Tây không gây ra tác động đáng kể đến nguồn thu nhập của Nga xuất phát từ xuất khẩu năng lượng. Giá nhiên liệu tăng vọt thậm chí còn hỗ trợ mạnh mẽ cho đồng Ruble và bù đắp tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt đến từ phương Tây.

Dựa vào dữ liệu cán cân thanh toán của Nga, có thể thấy trong quý đầu tiên, các nhà đầu tư nước ngoài và người dân Nga đổ xô bán tháo đồng Ruble và tích trữ ngoại tệ gây thất thoát một khoản tiền lên đến 64 tỷ USD.

Tuy nhiên, tổn thất này lại được bù đắp bằng mức thặng dư 58 tỷ USD trong thu nhập ròng từ nước ngoài của Nga (thặng dư tài khoản vãng lai). Mức thặng dư khổng lồ này đến từ xuất khẩu năng lượng, dự kiến ​​trị giá có thể vượt mức 300 tỷ USD trong năm nay.

Ngoài ra còn có các yếu tố khác. Ngân hàng Trung ương Nga đã đưa ra các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ, buộc các công ty phải chuyển 80% thu nhập từ xuất khẩu của họ thành đồng Ruble đồng thời hạn chế lượng tiền mặt mà người Nga có thể chuyển ra nước ngoài. Ngân hàng này cũng đã tăng lãi suất lên 17% để khuyến khích người dân gửi tiết kiệm bằng đồng tiền quốc gia.

Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Nga cũng ngừng tích trữ ngoại hối, khiến hàng tỷ USD và Euro mà ngân hàng này tiết kiệm ở nước ngoài mỗi tháng tràn vào thị trường ngoại hối, nhờ đó đáp ứng nhu cầu ngoại tệ ngày càng cao của người Nga và hỗ trợ tích cực cho đồng Ruble.

Xuất khẩu năng lượng cung cấp một dòng tiền khổng lồ chảy vào ngân khố của Nga và đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ đồng Ruble. Chính vì vậy, tác động trực tiếp vào nguồn thu này thì phương Tây mới có thể gây ra áp lực kinh tế cho Moscow.

Công nhân bảo dưỡng một cơ sở lọc dầu tại Nga. Ảnh TASS
Công nhân bảo dưỡng một cơ sở lọc dầu tại Nga. Ảnh TASS.

Tuy nhiên, cấm nhập khẩu nhiên liệu của Nga có thể khiến các nước Châu Âu rơi vào tình trạng thiếu năng lượng trầm trọng trong nước, hoặc thậm chí là suy thoái kinh tế. Chính vì vậy, một lệnh cấm vận là hoàn toàn không thực tế trong thời điểm hiện tại.

Mặt khác, theo thời gian, phương Tây có vẻ sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với năng lượng nhập khẩu từ Nga và cố gắng cắt giảm sự phụ thuộc dầu khí từ đất nước bạch dương.

Ảnh hưởng đến cục diện xung đột

Các đòn trừng phạt kinh tế dường như chưa đủ sức nặng để tác động lên các quyết định của Tổng thống Vladimir Putin. Thu nhập từ dầu khí của Nga liên tục tăng giúp cho chính phủ nước này thuận lợi tái trang bị quân sự và nền tài chính quốc gia vẫn duy trì sự ổn định.

Mặt khác, Tổng thống Putin vẫn có được sự tin tưởng rất cao từ công chúng. Tỷ lệ ủng hộ của ông Putin đã tăng lên hơn 80%, cho thấy sự tín nhiệm của dân chúng đối với nhà lãnh đạo đầy uy quyền của nước Nga. Tuy nhiên, việc giữ vững mức độ ủng hộ này sẽ là một bài toán không hề dễ khi nền kinh tế Nga được dự kiến sẽ sụt giảm 10% trong năm nay.

Mặc dù người dân Nga dường như không quan tâm nhiều đến giá trị của đồng Ruble trên thị trường ngoại hối, nhưng lạm phát là một vấn đề đáng lưu tâm. Không chỉ xuất phát từ đồng tiền lao dốc, vấn đề gián đoạn nhập khẩu do các lệnh trừng phạt thương mại hoặc các công ty nước ngoài rút lui cũng đủ sức gây ra lạm phát cấp quốc gia.

Nhìn chung, đồng tiền ổn định đang giúp nước Nga tránh được nguy cơ của một cuộc khủng hoảng ngân hàng và làm giảm lạm phát nếu đồng Ruble lao dốc nghiêm trọng.

Theo Báo Quốc tế