(Ảnh: minh hoạ)

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy học trên môi  trường số thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hằng ngày đối với mỗi giáo viên, người học.

Trong đó, về tiếp cận giáo dục trực tuyến: 50% học sinh, học viên và mỗi giáo viên có đủ điều kiện (phương tiện, đường truyền, phần mềm) tham gia có hiệu quả các hoạt động dạy học trực tuyến; 50% trường Trung học phổ thông, Trung học cơ sở triển khai các khoá đào tạo kiến thức số, kỹ năng số với 30% học sinh phổ thông tham gia.

Về môi trường dạy học trực tuyến: Hình thành kho học liệu dạy học trực tuyến cấp tỉnh đáp ứng nhu cầu học tập cho 50% nội dung chương trình giáo dục phổ thông.

Về quy mô hoạt động dạy học trực tuyến: 60% các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên thực hiện giảng dạy và học tập trên môi trường số; tỷ trọng nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trung bình 5% ở bậc tiểu học, 10% ở bậc trung học.

Về triển khai mô hình dạy học STEM/STEAM: 40% cơ sở giáo dục phổ thông có triển khai đào tạo áp dụng mô hình giáo dục STEM/STEAM với 30% học sinh tham gia, ưu tiên các địa bàn xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý, điều hành dựa trên công nghệ và dữ liệu, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý và chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ của Nhà nước và các cơ sở giáo dục. Cụ thể, về quản trị trường học: Tối thiểu 70% các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở.

Trong đó, 100% người học, 100% nhà giáo được quản lý bằng hồ sơ với mã định danh thống nhất theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 80% cơ sở vật chất, thiết bị và các nguồn lực khác phục vụ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu được quản lý bằng hồ sơ số.

Về quản lý giáo dục: Đến năm 2023, xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành giáo dục kết nối liên thông dữ liệu dùng chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về dịch vụ hỗ trợ người học, người dân: 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (hoặc mức độ 3 nếu không phát sinh thanh toán); tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 50%; tỷ lệ người học, cha mẹ học sinh hài lòng về chất lượng dịch vụ trực tuyến của các cơ sở giáo dục đạt trung bình 80%; tỷ lệ tổ chức, cá nhân hài lòng về chất lượng dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan quản lý giáo dục đạt trung bình 90%.

Bên cạnh đó, định hướng đến năm 2030, đưa tất cả thành tố của hệ thống giáo dục vào môi trường số, trong đó hoàn thiện nền tảng dạy và học trực tuyến tích hợp kho học liệu số hỗ trợ 100% người học và giáo viên tham gia có hiệu quả các hoạt động giáo dục trực tuyến; đáp ứng tài liệu học tập cho toàn bộ chương trình phổ thông.

Ngoài ra, 100% nguồn lực giáo dục, chương trình giáo dục và đối tượng giáo dục trong hệ thống giáo dục của tỉnh được quản lý trên môi trường số, kết nối thông suốt toàn ngành và liên thông với cơ sở dữ liệu, Trung tâm giám sát điều hành thông minh của tỉnh (IOC).

PV (t/h)