Theo đó, tỉnh Đồng Tháp xây dựng 4 vùng sản xuất giống cá tra chất lượng cao tập trung, với tổng diện tích 400ha ở các huyện: Hồng Ngự, Châu Thành, Cao Lãnh và thị xã Hồng Ngự.
Sản xuất cá tra giống ở Đồng Tháp
Đề án được chia làm 2 giai đoạn: từ năm 2018 - 2020, Đồng Tháp chọn từ 4 - 5 đơn vị cấp 2 đủ điều kiện tham gia liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao, nuôi vỗ cá tra bố mẹ và cho sinh sản ra cá bột; cung cấp 50% nhu cầu con cá tra giống chất lượng cao trong tỉnh với số lượng khoảng 700 triệu con. Cùng với đó, đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất giống cá tra tập trung ứng dụng công nghệ cao.
Từ 2021 - 2025, tỉnh sẽ hoàn thiện chuỗi sản xuất giống cá tra 3 cấp, hoạt động ổn định, bền vững; cung cấp 100% cá tra giống chất lượng cao toàn tỉnh với nhu cầu là 1,5 tỷ con. Nhằm cung cấp nhu cầu cá tra giống chất lượng cao trong tỉnh Đồng Tháp; đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất giống cá tra; tập trung ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy mô công nghiệp đảm bảo điều kiện sản xuất giống và kiểm soát được chất lượng con giống…
Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho đề án là khoảng 146 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương khoảng 50,5 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 21,5 tỷ đồng, vốn vay tín dụng 30 tỷ đồng, vốn tự có và vốn huy động của các tổ chức, cá nhân khoảng 44 tỷ đồng… Với mục tiêu nhằm nâng cao năng lực sản xuất giống cá tra chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tại địa phương và các tỉnh ĐBSCL.
Hải Đăng