Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh và đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức các Hội nghị đối thoại, làm việc với các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng, đóng không đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Đồng thời, đề nghị nhắc nhở các đơn vị, doanh nghiệp kịp thời khắc phục chuyển nộp số tiền chậm đóng để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Bảo hiểm xã hội tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các đơn vị chậm đóng số tiền lớn, thời gian kéo dài nhiều tháng đã được làm việc, đôn đốc, cam kết nhiều lần nhưng không thực hiện để thanh tra và có biện pháp xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, yêu cầu Công an tỉnh phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; xem xét đề nghị truy tố trách nhiệm hình sự theo quy định.
Ngoài ra, đối với UBND huyện, thành phố, chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn phối hợp với Bảo hiểm xã hội các huyện, thành phố rà soát, xác định tình trạng hoạt động, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các đơn vị, doanh nghiệp để làm cơ sở thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động trên địa bàn.
Thuận Yến (t/h)