Theo đó, tiếp tục cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững với các mục tiêu: Làm nòng cốt cho đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; nâng cao chất lượng, giá trị dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo; thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; nâng cao thu nhập của nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng.
Phấn đấu diện tích sản xuất lúa hữu cơ đến năm 2025 đạt 600 ha, có trên 42.000 ha lúa được cấp mã số vùng trồng. Phát triển vùng sản xuất tập trung theo hướng ứng dụng đồng bộ giải pháp giảm giá thành, cơ giới hóa, quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ thông minh gắn truy xuất nguồn gốc và chuỗi giá trị trên cây lúa.
Xây dựng và phát triển hệ sinh thái nông nghiệp số áp dụng đồng bộ từ cấp tỉnh, huyện, xã (phát triển phần mềm, ứng dụng thiết bị thông minh) giúp quản lý nông nghiệp số và phát triển kinh tế nông nghiệp số đảm bảo điều kiện tích hợp được vào hệ thống dữ liệu của Tỉnh và bộ, ngành Trung ương.
Đặc biệt, giảm lượng phân bón hóa học, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học trong sản xuất lúa từ 30% trở lên. Tập trung tăng nhanh tỷ lệ cơ giới hóa sản xuất, chuyển dần từ gieo sạ bằng công cụ sang sử dụng máy cấy lúa đưa mức độ cơ giới hóa khâu gieo, cấy bằng máy đạt 15% diện tích; tối thiểu 20% diện tích gieo trồng lúa của toàn tỉnh sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật. Phấn đấu diện tích liên kết sản xuất lúa giống đạt trên 5.000 ha/năm.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặt chỉ tiêu về xây dựng và phát triển hệ sinh thái nông nghiệp số áp dụng đồng bộ từ cấp tỉnh, huyện, xã (phát triển phần mềm, ứng dụng thiết bị thông minh) giúp quản lý nông nghiệp số và phát triển kinh tế nông nghiệp số…
Để thực hiện đạt các chỉ tiêu, Kế hoạch đề ra 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó có tổ chức sản xuất; đổi mới mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ; phát triển kinh tế tập thể; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; thực hiện truy xuất nguồn gốc; chế biến, bảo quản sau thu hoạch; phát triển nguồn nhân lực…
Ngoài ra, rà soát các chính sách hiện hành có liên quan ngành nông nghiệp từ Trung ương đến tỉnh, từ đó đề xuất sửa đổi, điều chỉnh, thay thế, bổ sung các chính sách mới của tỉnh để hỗ trợ phát triển ngành hàng lúa gạo nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch.
Thuận Yến - Thùy Linh