Cao điểm chống buôn lậu, hàng giả dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
Cao điểm chống buôn lậu, hàng giả dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ảnh: KT.

Theo đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi sản xuất, buôn bán hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và các hành vi vi phạm về niêm yết giá; chú ý đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần như: thực phẩm, gia súc, gia cầm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp, thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19,… nhằm ổn định thị trường.

Đồng thời, các ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn và lĩnh vực phân công quản lý, chủ động nắm chắc tình hình, tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin, phối hợp kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Việc kiểm tra, kiểm soát phải tuân thủ đúng phạm vi, trình tự theo quy định, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng kiểm tra tại các điểm sản xuất, kinh doanh có quy mô lớn, nơi phát luồng hàng; không kiểm tra dàn trải, gây xáo động thị trường hoặc tạo ách tắc lưu thông hàng hoá hợp pháp phục vụ Tết.

Đặc biệt, tăng cường kiểm soát tại các khu vực cửa khẩu đường bộ, đường sông và các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng tạp hóa; kiểm soát các hành vi lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, mua, bán online, mạng xã hội (facebook, zalo), để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tuyên truyền pháp luật sâu rộng về các nội dung có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại; phản ánh kịp thời, đúng thực tế về kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Giao Công an tỉnh chỉ đạo Công an huyện, thành phố, các đơn vị nghiệp vụ xây dựng và triển khai kế hoạch, phương án đấu tranh, triệt phá, xử lý các đường dây, ổ nhóm buôn bán, các tụ điểm tập kết hàng hóa nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, đặc biệt là các mặt hàng liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19…

Cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng, tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng hóa gian lận về nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, mua, bán trao đổi hàng hóa trên sàn giao dịch điện tử, mua, bán online, mạng xã hội; các hành vi vi phạm về niêm yết giá bán hàng.

Tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn các nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng kém chất lượng ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân; các mặt hàng liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Yêu cầu Sở Công Thương chủ động theo dõi, dự báo sớm nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu tại địa bàn quản lý, để có phương án bảo đảm cân đối cung, cầu, ổn định thị trường hàng hóa Tết Nguyên đán Nhâm Dần; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, triển khai dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường.

Ngoài ra, đối với các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế; Khoa học và Công nghệ; Giao thông vận tải; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông chỉ đạo lực lượng Thanh tra chuyên ngành kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Thuận Yến – Thùy Linh