Đột phá nâng cao chất lượng giáo dục - Hình 1

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Thuận lợi và khó khăn đan xen

Năm học 2016-2017 toàn ngành giáo dục triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản nhằm đổi mới và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Ngay trong năm đầu tiên thực hiện, đã có tác động sâu rộng đến nhận thức, hành động của toàn ngành, tạo nên những bước chuyển biến tích cực.

Cụ thể, cả nước đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tỷ lệ trẻ mầm non được đến trường tăng; việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, thi, đánh giá học sinh phổ thông được tích cực thực hiện theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Giáo dục phổ thông tập chú trọng việc học đi đôi với thực hành. Giáo dục thường xuyên đã từng bước đa dạng hóa nội dung chương trình học tập. Giáo dục đại học siết chặt theo hướng quản lý chất lượng, tìm các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.

Điểm sáng trong năm học 2016-2017 là kỳ thi THPTquốc gia được các địa phương, cơ sở giáo dục đại học phối hợp bài bản và tổ chức an toàn, nghiêm túc, đảm bảo khách quan, trung thực, giảm áp lực, giảm tốn kém đối với người dân và xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh. Năm học 2016-2017, các đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự thi Olympic khu vực và quốc tế tiếp tục đạt thành tích xuất sắc. Các đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic quốc tế môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Tin học năm 2017 đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay với tổng số 31 huy chương trong đó có 14 huy chương vàng; 13 huy chương bạc, 04 huy chương đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ GD&ĐT đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém: Quy hoạch mạng lưới chậm được triển khai, còn nhiều bất cập; tình trạng thiếu trường, lớp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất còn phổ biến; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết; năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới; năng lực quản trị của một bộ phận cán bộ quản lý trường học chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới; chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước; tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa tìm được việc làm còn nhiều...

Phát triển cả phẩm chất và trí tuệ

Năm học tới, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản với phương hướng chung: Tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo; quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực người học; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên.

Trong năm học 2017-2018, ngành giáo dục lựa chọn 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để tập trung thực hiện: Một là, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, trọng tâm là các cơ sở đào tạo giáo viên. Hai là, chuẩn bị các điều kiện để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Ba là, đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo. Theo đó, đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo; đề ra các giải pháp quyết liệt để Hội đồng trường đi vào hoạt động hiệu quả và thực chất hơn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành Giáo dục cần tiếp tục quan tâm đến phát triển giáo dục cả về đạo đức, phẩm chất và trí tuệ cho học sinh; chú trọng việc học đi đôi với hành, giáo dục nhà trường gắn với giáo dục gia đình và cộng đồng; tăng cường tính tự chủ trong các nhà trường; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nhất là đối với các điểm trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tiếp tục đổi mới hình thức thi cử sát với chương trình học của học sinh; hướng tới xây dựng nền giáo dục vì học sinh vì đổi mới giáo dục toàn diện; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn đào tạo với nhu cầu của xã hội để sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội.

Theo PGS. TS Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế, để nâng cao chất lượng giáo dục cần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên. Vì vậy, cần có nguồn ngân sách của nhà nước trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Còn bản thân các trường học cần liên kết, phối hợp với chính quyền địa phương, doanh nghiệp để thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Đột phá nâng cao chất lượng giáo dục - Hình 2

Mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo tiếp tục được mở rộng

“Các trường phải tăng kinh phí hỗ trợ giảng viên nghiên cứu khoa học, có quỹ đầu tư cho nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho giảng viên vừa giảng dạy, vừa thực hiện nghiên cứu khoa học một cách hiệu quả. Giảng viên phải cân bằng tỷ trọng giữa giảng dạy và nghiên cứu, chứ không thể chỉ chăm chăm đi dạy”, PGS. TS Nguyễn Quang Linh phân tích.

Đổi mới từ chính sách đãi ngộ

Việc nâng cao chất lượng giáo dục trước hết phải xuất phát từ chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục, nếu không tạo được một cơ chế sử dụng, đánh giá, đãi ngộ tương xứng thì nhà giáo không yên tâm sống với nghề và điều này ảnh hưởng đến sự thành bại của công cuộc đổi mới giáo dục.

Thống kê của Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh cho thấy, giáo viên có thời gian công tác dưới 5 năm thu nhập thấp nhất là hơn 2,8 triệu đồng/tháng, cao nhất là hơn 7,5 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này chưa đảm bảo để trang trải cuộc sống, giúp giáo viên yên tâm cống hiến với nghề. Từ đó, nhiều giáo viên đang giảng dạy cũng có xu hướng chuyển ngành nghề khác.

Tại cuộc làm việc mới đây với hiệu trưởng các cơ sở đào tạo sư phạm trong cả nước, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã thừa nhận chính sách đối với giáo viên hiện nay chưa tốt; việc vào biên chế khó khăn, thu nhập thấp, áp lực lớn; nhiều nơi lớp học quá đông nên giáo viên rất vất vả mà không được đãi ngộ xứng đáng. Vì vậy, khó có thể cạnh tranh với các ngành khác và khó tạo ra động lực cho những người đang có ý định theo đuổi nghề giáo.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhấn mạnh sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội có những chính sách đãi ngộ tốt hơn, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo và tạo sức hấp dẫn người học đối với ngành sư phạm. Hiện nay, Bộ đang chỉ đạo các bộ phận nghiên cứu để trong thời gian sớm nhất có được Luật Nhà giáo. Từ đó các chế độ đãi ngộ, chính sách, vị thế của nhà giáo sẽ được cải thiện và nâng lên.

Tại buổi Tọa đàm “Đổi mới giáo dục - Nhìn từ góc độ người thầy” được tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đánh giá: Nếu cơ chế chính sách không thay đổi thì không chỉ là bài toán sinh viên không chọn nghề giáo mà chúng ta sẽ phải đối mặt với việc những nhà giáo sẽ rút khỏi ngành. Đó sẽ là một áp lực rất lớn cho ngành sư phạm.

Bà Hoa cũng nhận định, chính sách về nghề giáo đang có nhiều bất cập từ phụ cấp, tiền lương, đào tạo bồi dưỡng, đến tuyển dụng, đánh giá và cả chuyện tôn vinh… Nghề đặc thù nhưng chính sách không đặc thù thì không bao giờ động viên, không bao giờ tạo động lực được cho nhà giáo. 

Hoan Nguyễn