Một số dự án điện gió tại tỉnh Bến Tre, đã được cấp phép đầu tư, song tới thời điểm này, có những dự án vẫn chưa được triển khai xây dựng, một phần là do giá bán thấp, đầu tư không hiệu quả.
Mới đây, tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2018, diễn tại Bến Tre, ông Nguyễn Văn Mến, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre cho biết, toàn tỉnh có 11 dự án điện gió, nhưng có 1 dự án đã bị thu hồi đó là Nhà máy Điện gió số 1, do Công ty TNHH Hưng Phúc Nguyên Phúc làm chủ đầu tư. Lý do bị thu hồi là bởi chậm triển khai.
Báo cáo về danh mục các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Bến Tre cho thấy, tiến độ phải thực hiện đối với dự án này là vào tháng 3/2016, nộp hồ sơ xin chủ trương đầu tư, quý III/2016, thực hiện thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng, giao đất; quý IV/2016, thực hiện tổ chức đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng, cung cấp lắp đặt thiết bị và tư vấn. Cũng trong quý IV/2016, khởi công xây dựng giai đoạn 1 dự án; quý IV/2017, hoàn thành giai đoạn 1; quý I/2018, khởi công xây dựng giai đoạn 2 và quý IV/2018, hoàn thành giai đoạn 2.
Tuy nhiên, như nêu ở trên, quá trình triển khai bị chậm nên Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre đã ra quyết định thu hồi dự án này.
Được biết, dự án được cấp phép xây dựng tại xã Thạnh Hải và Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú) với diện tích 32.000 mét vuông. Tổng công suất dự án là 28 MW, trong đó, giai đoạn 1 có công suất 8 MW và giai đoạn 2 là 20 MW, tổng vốn đầu tư 252 tỷ đồng.
10 dự án còn lại, đang trong quá trình thực hiện lắp đặt các cột đo gió. “Riêng đối với dự án của Công ty Tân Hoàn Cầu, Sở Công thương đang phối hợp với các sở, ngành liên quan thỏa thuận thực hiện các thủ tục đấu nối vào lưới điện.
Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, tại Ninh Thuận, cũng cho biết, đến nay, trên toàn tỉnh có 15 dự án điện gió đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực. Trong đó, có 12 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư, quy mô công suất hơn 748 MW, tổng vốn đăng ký là 22.577 tỷ đồng.
Tuy nhiên đến nay, chỉ có 3 dự án là Điện gió Đầm Nại (công suất 40MW), do Công ty CP Điện gió Đầm Nại (doanh nghiệp FDI, nguồn vốn Singapore) làm chủ đầu tư, tổng số vốn 1.523 tỷ đồng, tại các xã thuộc 2 huyện Ninh Hải và Thuận Bắc, đã đưa 3 tua bin (công suất 6MW) vào hoạt động giai đoạn 1 và đang thi công giai đoạn 2. Dự kiến, toàn dự án hoàn thành vào cuối năm 2018.
Nhà máy Điện gió Phước Dinh, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam (công suất 37,6MW), tổng vốn đầu tư 1.472 tỷ đồng và Nhà máy Điện gió Trung Nam, tại huyện Thuận Bắc (công suất hơn 105 MW), vốn đầu tư 3.965 tỷ đồng, bảo đảm tiến độ.
Các dự án còn lại không bảo đảm tiến độ như đã cam kết. Như dự án Nhà máy Điện gió Phước Hữu (công suất 50MW), do Công ty CP Phát triển điện gió Phước Hữu đầu tư, tổng số vốn 1.495 tỷ đồng, tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước. Mặc dù khởi công xây dựng từ tháng 10/2010 và nhà đầu tư cam kết đến tháng 12/2011 sẽ đưa nhà máy vào sản xuất điện thương phẩm. Nhưng đến nay, nhà đầu tư chỉ mới đổ đất san lấp mặt bằng trạm biến áp, chưa thi công các công trình khác; chưa ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án; chưa hoàn tất thủ tục về xây dựng…
Dự án Nhà máy Điện điện gió Công Hải 1, tại xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, do Tổng công ty Phát điện 2 đầu tư, từ nguồn kinh phí ngân sách của UBND TP. Hồ Chí Minh, để hỗ trợ nghiên cứu công nghệ tua bin hai hệ cánh đồng trục trên cơ sở chuyển giao công nghệ từ Nga.
Bên cạnh đó, 4 dự án dự kiến khởi công trong năm 2018 và đầu 2019, gồm: Nhà máy Điện gió Phước Hữu - Duyên Hải 1 (công suất 30MW), do Công ty TNHH Hưng Tín đầu tư, số vốn 1.200 tỷ đồng, tại huyện Ninh Phước; Nhà máy Điện gió Lợi Hải 2 (công suất 30MW), do Công ty CP Phong điện Thuận Bình đầu tư, số vốn 1.350 tỷ đồng, tại huyện Thuận Bắc; Nhà máy Điện gió Win Energy Chiến Thắng (công suất 50MW), do Công ty TNHH điện gió Chính Thắng đầu tư, số vốn 1.970 tỷ đồng, tại 2 huyện Thuận Nam và Ninh Phước; Nhà máy Điện gió Phước Minh (công suất 27,3MW), do Liên doanh Công ty CP TSV và Công ty Adani của Ấn Độ đầu tư, số vốn 965 tỷ đồng, tại huyện Thuận Nam cũng chậm tiến độ.
Để giúp nhà đầu tư thực hiện các dự án này, UBND tỉnh Ninh Thuận đã nhiều lần có văn bản nhắc nhở, đôn đốc, đồng ý gia hạn tiến độ; đồng thời, đồng ý chủ trương miễn ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án… Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn không bảo đảm tiến độ như đã cam kết.
Các chủ đầu tư đã đưa ra nhiều nguyên nhân tác động do khách quan, tuy nhiên thiếu luận cứ để thuyết phục.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - Phạm Văn Hậu, những năm qua, tỉnh Ninh Thuận luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy các dự án chậm tiến độ là do nhà đầu tư thiếu quyết tâm thực hiện, chứ không phải do lỗi khách quan. Có nhà đầu tư thực hiện cùng lúc 3 dự án, nhưng chậm tiến độ; tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo thu hồi từ 1 đến 2 dự án và nhà đầu tư cam kết sẽ tập trung thực hiện dự án còn lại, tuy nhiên đến nay vẫn “dậm chân tại chỗ”.
"Để chấm dứt tình trạng này, UBND tỉnh sẽ kiên quyết thu hồi những dự án chậm triển khai hoặc không bảo đảm tiến độ để giao cho những nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính và có quyết tâm đầu tư thật sự, tránh ảnh hưởng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và giải tỏa bức xúc dư luận tại địa phương", ông Phạm Văn Hậu khẳng định.
Hải Đăng