Bài 2: Chính quyền bảo "không phải đất khai hoang”?

Lý do mà UBND TP Phan Thiết và UBND tỉnh Bình Thuận đưa ra để thu hồi đất mà không giải tỏa, đền bù cho các hộ dân liên quan đến dự án Mũi Né Summer Land đó là những khu đất này trước đây là đất rừng và phủ nhận việc người dân khai hoang từ những năm 1980. Tuy nhiên tư liệu chúng tôi tìm hiểu được thì lại khác hẳn sự khẳng định này.

Kể từ khi UBND thành phố Phan Thiết ra quyết định thu hồi, 8 hộ dân có đất tại khu vực này đã nhiều lần gửi đơn thư khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền theo trình tự. Tuy nhiên, cả UBND thành phố Phan Thiết và UBND tỉnh Bình Thuận đều bác khiếu nại của các hộ dân, vì cho rằng phần đất người dân khai hoang và canh tác ổn định từ năm 1980 là không đúng.

Theo Quyết định số 505/QĐ-UBND ngày 20/8/2014 của UBND thành phố Phan Thiết về việc giải quyết khiếu nại của bà Nguyễn Thị Bảy, cơ quan này cho biết:

Ngày 11/10/2012, trên cơ sở khiếu nại của các hộ dân thuộc dự án Quỹ đất 2 bên đườnng 706B, Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường Bình Thuận phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, Phòng Tài nguyên Môi trường thành phố, Ban quản lý rừng phòng hộ Phan Thiết và UBND phường Phú Hài tổ chức kiểm kê, đo đạc hiện trạng vị trí đất các hộ dân có đơn khiếu nại, đã xác  định: Toàn bộ phần diện tích đất 46.252 m2 bà Bảy khiếu nại là do Ban quản lý bảo vệ và trồng rừng Phan Thiết (nay là Ban quản lý rừng phòng hộ Phan Thiết) quản lý”.

Tại Quyết định số 1989/QĐ-UBND ngày 13/8/2017 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc giải quyết đơn thư của bà Nguyễn Thị Bảy khiếu nại Quyết định số 505/QĐ-UBND của UBND thành phố Phan Thiết, đơn vị này cũng khẳng định rằng:

Diện tích 46.252 m2 đất bà Nguyễn Thị Bảy đang khiếu nại, nằm trong quy hoạch 03 loại rừng thuộc Tiểu khu 216 (cũ) do Ban quản lý rừng phòng hộ Phan Thiết quản lý, trồng rừng keo lá tràm năm 1998 và rừng trồng keo l1 tràm hỗn giao năm 1999. Năm 2004, Ban quản lý rừng phòng hộ Phan Thiết đã làm hồ sơ xin thanh lý, do rừng trồng bị chết và đã được UBND tỉnh thu hồi, giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, tại Quyết định số 1566/QĐ-UBND ngày 16/6/2006”.

Dự án Mũi Né Summer Land (Phú Hài - Phan Thiết): Những khuất tất cần được làm rõ - kỳ 2 - Hình 1

Bà Lần và bà Bảy bức xúc bên cạnh khu đất của mình đã bị cưỡng chế và rào lại giao cho dự án Mũi Né Summer Land

Xét đến đây, có thể thấy, phía chính quyền cho rằng các hộ dân không thực sự khai hoang từ năm 1980, mà đến năm 2010 mới lấn chiếm đất công để canh tác. Và giai đoạn từ năm 2006 trở đi, các khu đất này đã được Ban quản lý rừng phòng hộ chuyển giao về cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là: Trong khi tại Quyết định 1556/QD-UBND nói trên UBND tỉnh Bình Thuận đã giao cụ thể cho UBND thành phố Phan Thiết xác định tính pháp lý về việc sử dụng đất để ban hành quyết định thu hồi đất của từng hộ gia đình, cá nhân và thực hiện giải tỏa đền bù theo đúng quy định, nhưng vào lúc đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất ở đâu, UBND phường Phú Hài, UBND thành phố Phan Thiết ở đâu, lại không tiếp nhận bàn giao, xác minh cắm mốc đất cụ thể, không thực hiện giải tỏa đền bù để dẫn đến tranh chấp như ngày nay mới đem văn bản ra quy chiếu?

Trong khi đó, vào giai đoạn 2003 – 2005, gia đình bà Bảy và các hộ dân xung quanh đã có liên hệ với chính quyền địa phương để xin cấp giấy chứng nhận ưuyền sử dụng đất theo Luật Đất đai, thế nhưng đã không được hướng dẫn giải quyết.

Ban quản lý rừng thừa nhận người dân có khai hoang và canh tác

Ông Nguyễn Đức Tín, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Phú (năm 2015 Ban quản lý rừng phòng hộ Phan Thiết đã sáp nhập vào đây) cho biết:

Sau giải phóng (1975), đất tại khu vực này đa phần bỏ hoang, chỉ toàn đồi trọc và cây mọc dại. Cuộc sống của những năm 80 thế kỷ trước, rất khó khăn nên bà con bắt đầu khai hoang làm rẫy canh tác để mưu sinh. Không riêng gì khu đất đó, mà khắp nơi tại Phan Thiết này đều như vậy.

Dự án Mũi Né Summer Land (Phú Hài - Phan Thiết): Những khuất tất cần được làm rõ - kỳ 2 - Hình 2

Ông Nguyễn Đức Tín, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Phú trao đổi với PV

Mãi đến năm 1994, khi Chính phủ ban hành Chương trình 327 chủ trương phủ xanh, thì các địa phương bắt đầu tiến hành trồng rừng, chỗ nào trống thì trồng, chỗ nào bà con đang canh tác thì thôi. Do đó, mới có tình trạng trên sơ đồ thì thể hiện đất rừng, nhưng thực chất lại là đất ruộng, đất rẫy của dân.

Chính vì điều này, cộng với trang thiết bị và kỹ thuật còn hạn chế nên dẫn đến việc khi thực hiện đo vẽ quy hoạch diện tích đất rừng vào năm 1999 và 2001 thì, phát sinh nhiều bất cập. Quy hoạch chồng lên cả nhà của dân, có chỗ nguyên làng dân ở từ mấy chục năm mà vẫn quy hoạch là đất trồng rừng, thậm chí có chỗ quy hoạch ra tận Quốc lộ 1. Do đó, về sau cứ phải điều chỉnh quy hoạch liên tục.

Ông Tín cũng cho biết: “Tóm lại, nguồn gốc sâu xa vẫn có người dân tác động trên đó. Nói không có là không đúng, không có sao người ta dám nhận, tuy nhiên mỗi nơi và mỗi thời điểm còn có những diễn biến khác nhau”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong các công văn trước đó gửi đến các đơn vị theo yêu cầu, ban quản lý rừng các thời kỳ đều không khẳng định việc người dân lấn chiếm đất rừng như UBND thành phố Phan Thiết và UBND tỉnh Bình Thuận đã đề cập trong quyết định của mình.

Dự án Mũi Né Summer Land (Phú Hài - Phan Thiết): Những khuất tất cần được làm rõ - kỳ 2 - Hình 3

Bản kê khai nguồn gốc đất của bà Bảy và xác nhận của rất nhiều người liên quan nhưng không được chính quyền xét tới

Cụ thể, trong Công văn số 28/BQL-HP ngày 30/1/2019 của Ban quản lý rừng Hồng Phú gửi Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận để cung cấp thông tin có liên quan đến vị trí đất hiện bà Nguyễn Thị Bảy và ông Trần Văn Thành đang khiếu kiện, có ghi rõ:

”Không có tài liệu nào liên quan đến việc lấn chiếm trên phần diện tích 45.554 m2 thuộc thửa đất số 4 và 61.806 m2 thuộc thửa đất số 5 nêu trên. Do đó, đơn vị không có cơ sở xác định thực tế ông Thành và bà Bảy có lấn chiếm hay không”.

Tương tự, trong Công văn số 450/BQL-HP ngày 3/5/2017 của Ban quản lý rừng Hồng Phú gửi Tòa án nhân dân thành phố Phan Thiết để cung cấp các thông tin đến thửa đất ông Bùi Công Thành khiếu nại, cũng có đoạn ghi rõ:

Qua rà soát đối chiếu với hồ sơ quyết toán trồng rừng; các bản đồ hoàn công trồng rừng trước đây và bản đồ hiện trạng trồng rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ Phan Thiết chuyển giao sang thì, tại khu vực đất của ông Thành khiếu nại không có rừng trồng của Ban quản lý rừng phòng hộ Phan Thiết”.

Hay như trong Công văn số 151/BQLRPHPT-KT ngày 12/7/2012 của Ban quản lý rừng phòng hộ Phan Thiết gửi UBND phường Phú Hài để cung cấp một số thông tin về  vị trí, hiện trạng đất của các hộ dân khiếu nại đơn vị này cũng đã nêu rõ quan điểm:

Theo bản đồ trồng rừng của đơn vị thì, khu vực của 8 hộ dân khiếu nại nói trên có chồng lấn vào đất có trồng rừng keo lá tràm năm 1998 và rừng trồng keo lá tràm hỗn giao muồng năm 1999. Tuy nhiên, do bản đồ phúc tra rừng trồng năm 1998,1999 trước kia, do vẽ bằng địa bàn cầm tay và thước dây không có tọa độ mốc nên kết quả kiểm tra, đối chiếu khó chính xác (là thông tin có  tính chất  tham khảo về nguồn gốc sử dụng đất). Đề nghị UBND phường Phú Hài rà soát thêm giữa vị trí thửa đất của 8 hộ dân nói trên với bản đồ giải thửa hiện trạng sử dụng đất của địa phương qua các thời kỳ khác nhau để có kết luận và trả lời về trường hợp các hộ dân khiếu nại”.

Như vậy, việc các hộ dân kêu cứu về việc đất đang canh tác bỗng dưng bị thu hồi mà không được đền bù, hỗ trợ tại khu vực đang triển khai dự án Mũi Né Summer Land là hoàn toàn có căn cứ - như chúng tôi đã viện dẫn cụ thể qua 2 bài viết.

Tiếp theo, chúng tôi sẽ có những thông tin cụ thể hơn nữa, đặc biệt là "có hay không chuyện UBND thành phố Phan Thiết “phớt lờ” những phán quyết của tòa án?”

TH&CL sẽ tiếp tục thông tin đến bạo đọc.

Lê Vũ – Bảo Trần