THCL Thương hiệu & Công luận đã thông tin về những dấu hiệu sai phạm trong quá trình thi công Dự án “thành phố giao lưu” - do Công ty Vigeba làm chủ đầu tư, đặc biệt là việc sử dụng đất sai mục đích, trái với quy định của pháp luật.

Những sai phạm đã rõ ràng - “phơi” ra trước mắt, song dường như chính quyền không thể giải quyết và “im lặng là vàng”, mỗi khi phóng viên đặt lịch làm việc thì họ đưa ra đủ thứ lý do để thoái thác? Thậm chí, theo họ thì đất dự án “không thuộc địa bàn quản lý (bởi có cả của phường Cổ Nhuế 1, phường Cổ Nhuế 2, thuộc quận Bắc Từ Liêm và phường Mai Dịch thuộc quận Cầu Giấy); việc thông tin tới bạn đọc luôn bị gián đoạn bởi phóng viên phải tự “mò mẫm” kiếm tìm, thu thập nguồn tin chính xác và khách quan nhất để thông tin tới độc giả.

Theo như tìm hiểu và quan sát thực tế cho thấy dự án kéo dài nhiều năm, nhưng hầu hết các hạng mục vẫn còn dang dở. Được biết đến là một công ty có tiềm lực, Vigeba đầu tư ước tính lên tới 500 triệu USD, người dân háo hức đón chờ khu đô thị sầm uất sẽ sớm hoàn thiện với cái tên mỹ miều “thành phố giao lưu” - vị trí đắc địa; thay vào đó là những hàng quán, rửa xe, kho bãi... khiến không ít người thất vọng, hoài nghi về năng lực quản lý và điều hành của các cơ quan chức năng?

Hàng nghìn mét vuông đất ở vị trí đẹp nhất (lô đất CC5), mặt đường Phạm Văn Đồng, mọc lên các quán bia, gara ô tô, thậm chí làm kho bãi, rửa xe... nhếch nhác, luộm thuộm..., ít ai nghĩ đây chính là khu thuộc Dự án “thành phố giao lưu” (?!). Thanh tra Xây dựng phường Cổ Nhuế 1 khẳng định, lô đất CC5 là để xây dựng các tổ hợp khách sạn, khối văn phòng..., nhưng Vigeba đã sử dụng sai mục đích và cũng đã bị phường Cổ Nhuế lập biên bản xử phạt hành chính. Vụ việc đã được đề nghị lên UBND quận xử lý theo pháp luật vì vượt quá thẩm quyền của phường.

Lui vào phía trong (vẫn là đất thuộc khu dự án), cũng quán hàng bia mọc lên; phần lớn đất dự án được quy hoạch là trường học cũng bị chuyển đổi thành sân bóng;  nhà trẻ (lô NT3) được thay thế - trở thành văn phòng điều hành của Công ty VIC, cảnh quan bị bóp méo. Tất cả các hạng mục đã được “tự động” thay thế mà chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh!

Ngày 23/7/2014, Tổ công tác, Đội thanh tra Xây dựng (quận Bắc Từ Liêm) đã tiến hành lập 2 biên bản (số 0120/BB-VPHC và 1021/BB-VPHC) về “vi phạm hành chính và yêu cầu tự phá dỡ công trình xây dựng, bộ phận xây dựng công trình vi phạm”, đồng thời yêu cầu Vigeba nộp phạt 40 triệu đồng.

Ngày 30/9/2014, Vigeba bị xử phạt hành chính theo Văn bản số 2815/QĐ-XPVPHC. Nhưng họ đã không chấp hành nội dung xử phạt. Vì vậy, ngày 29/5/2015, UBND quận Bắc Từ Liêm tiếp tục thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1635/QĐ-CC. Nhưng Vigeba cho rằng “những hàng quán mọc lên chỉ là chuyện nhỏ” nên họ đã không chấp hành xử phạt?

Phải nói thêm rằng, đại diện chủ đầu tư dự án “thành phố giao lưu” là Vigeba, Chủ tịch là ông Vũ Văn Tiền, đồng thời là Chủ tịch của Geleximco. Với số vốn điều lệ lên tới hàng trăm tỷ đồng, trong đó Vigeba chiếm tỷ lệ cao nhất, còn lại là Geleximco, Bảo Việt và Công ty Xây dựng quốc tế VIC. Ông Vũ Văn Tiền nắm trong tay nhiều dự án lớn trên cả nước. Phải chăng, cũng bởi vậy mà chính quyền sở tại “không thể mạnh tay” xử lý dứt điểm những sai phạm như đã nêu?

Cho tới giờ, những công trình không có trong hạng mục vẫn tồn tại, ngang nhiên thách thức dư luận? Đề nghị cơ quan có thẩm quyền vào cuộc điều tra làm rõ những sai phạm liên quan tới dự án trên.

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Nhóm phóng viên