(Ảnh minh họa)
Theo Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), vụ thu hoạch vải tại Trung Quốc thường bắt đầu từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 7 hàng năm, sớm và kéo dài hơn so với vụ thu hoạch vải của Việt Nam do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và giống vải phong phú hơn.
Năm 2018, diện tích trồng vải của Trung Quốc khoảng 542.000 ha với sản lượng đạt khoảng 2,3 triệu tấn, mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, Trung Quốc hàng năm vẫn nhập khẩu quả vải tươi từ các thị trường khác, trong đó phần lớn là từ Việt Nam.
Do mùa Đông 2018 ấm, khô và ít mưa, khả năng ra hoa của cây vải trong vụ mùa năm 2019 tại các địa phương có diện tích trồng và sản lượng lớn đạt tỉ lệ thấp, dẫn đến sản lượng quả vải tại nội địa Trung Quốc giảm (sản lượng vải tại Quảng Đông – địa phương chiếm khoảng 50% tổng sản lượng vải Trung Quốc giảm khoảng 40% so với năm 2018).
Theo số liệu ghi nhận được từ Kho dữ liệu giá cả nông sản, Bộ Thương mại Trung Quốc gần đây, giá vải bán buôn ngày 27/5 tại các chợ đầu mối một số địa phương của Trung Quốc dao động từ 12 Nhân dân tệ (NDT)/kg đến 31 NDT/kg, tương đương 40.560 đồng/kg đến 104.780 đồng/kg.
Trong các thị trường xuất khẩu, Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất của Việt Nam. Vụ vải thiều năm 2019, sản lượng vải thiều tại các tỉnh trồng nhiều của Việt Nam như: Hải Dương, Bắc Giang... cũng giảm mạnh do thời tiết không thuận lợi. Giá vải thiều tại Việt Nam hiện cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
Với diễn biến giá cả và sản lượng như vậy, vải thiều Việt Nam được dự đoán sẽ được giá khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Hằng Vương