Theo ông  Warrick Cleine, thị trường mua bán sáp nhập (M&A) ngành tài chính ngân hàng ở Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới. Đây là lĩnh vực được các nhà đầu tư rất quan tâm. Trong khi đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang từng bước tái cơ cấu và tinh gọn quy mô của hệ thống ngân hàng để lĩnh vực này ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ.

Năm 2021 khép lại và được đánh giá là một năm khá thành công đối với thị trường M&A, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Đó là thương vụ VPBank bán 49% vốn FE Credit cho đối tác Nhật Bản thu về gần 1,4 tỷ USD không chỉ là thương vụ M&A có giá trị cao nhất trong năm 2021, mà còn cao nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Dự báo thị trường mua bán sáp nhập tài chính ngân hàng năm 2022 vẫn sôi động. Ảnh minh họa internet
Dự báo thị trường mua bán sáp nhập tài chính ngân hàng năm 2022 vẫn sôi động. Ảnh minh họa internet.

Trước đó, cuối tháng 08/2021, SHB đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan - thành viên Tập đoàn MUFG (Nhật Bản). Tuy giá trị thương vụ không được SHB tiết lộ, song chia sẻ trên tờ Nikkei Asia, đại diện của Krungsri cho biết, ngân hàng này sẽ chi 5,1 tỷ baht để mua lại SHB Finance, tương đương khoảng 3.600 tỷ đồng.

Lãnh đạo MSB cũng thông tin, ngân hàng này đã ký kết thỏa thuận bán 100% vốn công ty con FCCom cho đối tác nước ngoài, dự kiến thu về 1.800 - 2.000 tỷ đồng…

Theo đánh giá của một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, việc hàng loạt thương vụ M&A trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thành công, chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam nói chung, lĩnh vực ngân hàng nói riêng. Vậy M&A trong lĩnh vực tài chính ngân hàng có tiếp tục sôi động trong năm 2022?

VPBank phát đi thông tin dự kiến hoàn tất thương vụ bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư ngoại trong quý I/2022. Trả lời cổ đông, lãnh đạo VPBank cho biết, thương vụ này sẽ mang về cho VPBank giá trị tương đương thương vụ bán 49% FE Credit (tức trên dưới 30.000 tỷ đồng). Nếu thương vụ này được hiện thực hóa, M&A ngân hàng Việt Nam có thể lại tiếp tục dậy sóng, đặc biệt khi nhiều ngân hàng khác cũng đang rục rịch tìm kiếm nhà đầu tư ngoại bán vốn như LienVietPostBank, OCB…

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nêu ý kiến, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang nhắm đến mảng bán lẻ của các ngân hàng. Nên ngân hàng nào có thế mạnh bán lẻ sẽ được các nhà đầu tư ngoại nhắm tới.

TS. Châu Đình Linh cũng đánh giá, những ngân hàng nào có thế mạnh về chuyển đổi số cũng sẽ thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại. “Tỷ lệ người sử dụng các dịch vụ ngân hàng số ngày càng gia tăng, thu nhập bình quân theo đầu người tăng… là những động lực phát triển ngân hàng số, tăng doanh thu từ dịch vụ gia tăng lợi nhuận bền vững cho ngân hàng tạo sức hút đối với các nhà đầu tư ngoại”, TS. Linh nhận định.

TS. Võ Trí Thành nhận định, nới room ngoại giúp các ngân hàng thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, gia tăng nguồn lực tài chính đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, tới đây là Basel III nhất là trong bối cảnh hệ số CAR của các ngân hàng Việt Nam còn thấp so với khu vực. Bên cạnh đó, các nước trong khu vực đã cân nhắc việc điều chỉnh tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại (NHTM). Tuy nhiên, mức độ điều chỉnh tăng và lộ trình thực hiện có sự khác biệt giữa các nước, tùy đặc thù cụ thể và quyết tâm của từng nước đối với việc cải thiện hiệu quả hoạt động của các NHTM thông qua hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài.

Còn tại Việt Nam, theo gợi ý của ông Thành các quyết định nới room cần đi kèm với công cụ quản lý, kiểm soát, nhất là phải gắn với kế hoạch tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, kế hoạch sửa đổi hệ thống văn bản liên quan đến các TCTD, đến quản trị doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phân tích: Nới room ngoại sẽ thu hút dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài, giúp các NHTM tăng quy mô vốn chủ sở hữu, tăng năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh... Song việc nới room cần thận trọng, đảm bảo hài hòa lợi ích, nhu cầu của các nhà đầu tư với vai trò quản lý Nhà nước. Có thể, giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài cần được quy định theo hướng phân loại theo nhóm, dựa trên đánh giá xếp loại của Ngân hàng Nhà nước. Ví dụ, các ngân hàng đã hoàn thành chuẩn Basel II, đang nâng cao lên chuẩn Basel III có thể nâng trần room cao hơn 30%. Bên cạnh đó, lãnh đạo VNBA đề xuất cần có giải pháp mạnh hơn để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.

Q.N (t/h)