GS.TS Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có những chia sẻ về nghề trong buổi sinh hoạt tuần lễ hội nhập dành cho các tân sinh viên để các em hình dung được con đường phía trước sẽ đi.

Theo GS.TS Lê Ngọc Thành, học cả đời là thương hiệu của sinh viên trường Y. Việc gặp gỡ sinh viên từ buổi “trứng nước” khi chân ướt chân ráo vào trường cùng với gia đình để tìm được tiếng nói chung, đồng cảm với nhau ngay từ đầu thì mới có thể đồng hành cùng nhau chặng đường còn lại. “Nghề Y vất vả. Đã có ý thức vào học ngành Y thì trong mỗi sinh viên đã có sự hướng thiện. Xã hội vẫn nói nghề Y là một nghề đặc biệt nên cần sự đãi ngộ đặc biệt. Trong bối cảnh hiện nay, những người làm ngành Y chưa được hưởng “đặc quyền” đặc biệt đó nhưng không vì vậy mà quên truyền lửa cho sinh viên”, GS.TS Thành nói.

Tân sinh viên Trường ĐH Y Dược, ĐH Quốc gia Hà Nội làm thủ tục nhập học năm 2024.
Tân sinh viên Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội làm thủ tục nhập học năm 2024.

Cũng chính vì tính đặc thù của ngành Y mà theo GS Thành không phải ai cũng theo được, có sinh viên bỏ dở giữa chừng. Ngành Y vất vả, gian nan, chỉ tình yêu với nghề thôi chưa đủ, nếu không có động lực, có quá trình phấn đấu, sẽ khó thành công. Bởi quãng thời gian học đại học 6 năm mới chỉ là bắt đầu con đường để trở thành một người bác sĩ. Vì vậy nên những sinh viên lựa chọn học ngành này rất cần sự đồng hành của phụ huynh và thậm chí cả bạn bè.

Nói về đổi mới tuyển sinh trong thời gian tới, theo GS.TS Lê Ngọc Thành, nhà trường đã tìm hiểu mô hình đào tạo của châu Âu và Mỹ. Nhà trường tiệm cận phương thức tuyển sinh của Mỹ đó là sinh viên tốt nghiệp 1 bằng đại học sau đó sẽ học Y. Từ năm 2025, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến áp dụng thêm 1 phương thức tuyển sinh là dành cho những sinh viên đã có 1 bằng tốt nghiệp đại học tham gia xét tuyển ngành Y, ngành Dược. Theo đó, với đối tượng sinh viên này, ngành Y khoa sẽ học 4 năm còn ngành Dược học 3 năm.

PV (t/h)