THCLTheo thống kê của Bộ NN&PTNT, 11 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu rau quả cùa Việt Nam đạt khoảng 2,2 tỷ USD (dự kiến hết năm 2016 đạt khoảng 2,5 tỷ USD); trong đó, trái cây xuất khẩu chiếm tới 80%.
Không chỉ Trung Quốc là thị trường chính, năm nay, trái cây Việt Nam còn xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản... Trong 11 tháng, Việt Nam đã xuất khẩu gần 10.000 tấn quả tươi sang các thị trường này, gấp đôi so với cả năm 2015.
Trái cây của Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh cả về kim ngạch xuất khẩu lẫn thị trường
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung cho rằng: Năm nay là năm được mùa về xuất khẩu trái cây; những mặt hàng này đã xuất hiện ở hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo nhận định của các chuyên gia, nếu đi đúng hướng, kim ngạch xuất khẩu trái cây có thể đạt tới mức 5 tỷ USD/năm, chứ không phải khoảng 2,5 tỷ như năm nay.
Ngoài việc thị trường rộng mở, phản hồi từ người tiêu dùng thế giới về trái cây Việt cũng rất tích cực. Đi đôi với chinh phục những thị trường lớn, khó tính, trái cây Việt cũng đang được mở rộng sang một số nước Trung Đông.
Tuy nhiên, ngoài những ưu thế mặt hàng trái cây Việt Nam rất đa dạng với nhiều chủng loại và chiếm diện tích lớn thì trên con đường bước ra thế giới của trái cây Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản cần phải thao gỡ.
Cụ thể, hoạt động sản xuất trái cây còn nhỏ lẻ, dù đã được thâm canh nhưng không đủ điều kiện để áp dụng tiến bộ kỹ thuật hiện đại nên còn xảy ra tình trạng sâu bệnh gây thất thu hoặc không bảo đảm về chất lượng.
Một vấn đề đáng chú ý nữa đó là không chỉ khó khăn trong sản xuất, tính cạnh tranh của trái cây Việt Nam còn thấp, đặc biệt về giá do chi phí vận chuyển cao. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, chi phí vận tải, lưu kho, làm thủ tục hải quan… ở Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, hơn Malaysia 12% và gấp 3 lần so với Singapore. Trong tổng số chi phí của chuỗi cung ứng, riêng chi phí vận tải chiếm đến 50%, kho bãi chiếm 30% làm đội giá thành sản phẩm.
Để tháo gỡ khó khăn này, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt quy hoạch cho 12 loại trái cây xuất khẩu và đề ra những giải pháp cụ thể để hình thành vùng sản xuất lớn. Theo đó, Bộ sẽ cùng các địa phương tổ chức lại sản xuất theo quy mô lớn, gắn từng cá thể vào chuỗi liên kết để có điều kiện áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, trong đó có kỹ thuật thâm canh, xử lý rải vụ; xây dựng chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho sản xuất và vận chuyển trái cây, đặc biệt là những vùng kênh rạch.
Thùy Linh