THCL - Không ít hàng hóa nông nghiệp của Việt nam khi xuất khẩu sang các nước trên thế giới đều ở dạng thô, chưa qua sơ chế và đóng gói, vì thế, đều phải núp bóng một số nhãn mác của một số doanh nghiệp nước ngoài. Điều này lý giải vì sao thương hiệu hàng Việt vắng bóng trên thị trường hàng hóa thế giới.
Nổi tiếng cũng chịu thiệt
Là một trong 5 nước xuất khẩu trà (chè) nhiều nhất trên thế giới, nhưng thương hiệu trà Việt rất nhạt nhòa, chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế.
Giám đốc một công ty xuất khẩu trà tại Lâm Đồng bộc bạch: “Chúng tôi sang Đài Loan, thị trường nhập khẩu trà lớn thứ hai của Việt Nam, thấy nhiều người đều có một hộp trà ô long trên bàn làm việc. Họ biết nguồn gốc trà này từ Việt Nam, nhưng thực tế trên hộp trà lại mang thương hiệu công ty trà Đài Loan”.
Nông sản Việt cần khẳng định được thương hiệu (Anh minh họa)
Theo vị giám đốc này, vì không có thương hiệu, phải mượn danh đối tác nước ngoài khiến giá xuất khẩu trà của Việt Nam thấp hơn nhiều so với giá thế giới. Thậm chí, có thời điểm trà Việt chỉ bằng một nửa giá bình quân của các nước. Đây là hệ quả của tình trạng 98% lượng trà xuất khẩu của chúng ta ở dạng thô, đóng bao 50 kg, trong khi thương hiệu thường chiếm tới 40% - 60% giá trị sản phẩm.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), cho biết, hiện tại, hồ tiêu Viêt Nam khẳng định vị trí số một thế giới về sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu, có mặt tại trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thế nhưng, hồ tiêu Việt Nam vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng thế giới biết đến bởi 95% sản lượng được xuất khẩu dưới dạng sơ chế.
“Hồ tiêu Việt khi xuất khẩu còn phải thông qua các đối tác thương mại chính là Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ, vì vậy, khi bán ra thị trường thế giới đều dưới tên nhà sản xuất nước ngoài. Chính điều này khiến giá hồ tiêu trong nước khi xuất khẩu thường bị thấp hơn giá bán thành phẩm khoảng 40%”, ông Nam thừa nhận.
Dù Trung Quốc là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua, nhưng đáng buồn là thương hiệu, tên tuổi gạo Việt tại các siêu thị Trung Quốc gần như không thấy. Lý giải về nghịch lý này, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho hay, chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc cả gạo thơm cao cấp lẫn gạo trắng thông thường. Đáng tiếc là, sau khi nhập gạo của Việt Nam, các DN Trung Quốc đấu trộn với gạo của họ, đánh bóng, đóng bao và mang thương hiệu của họ.
Vì thế, người tiêu dùng Trung Quốc ăn gạo Việt, nhưng không biết nó xuất xứ từ Việt Nam.
Bảo hộ thương hiệu để nâng giá trị
Theo một kết quả khảo sát mới nhất của cơ quan chức năng được công bố tại Hội thảo “Phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý” - do Bộ Công thương tổ chức mới đây, cho thấy: Có đến 90% lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu dưới nhãn hiệu của nước ngoài; chỉ có khoảng 140 nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chỉ một số ít trong đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài.
Điều này dẫn đến nghịch lý đó là nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu nổi tiếng của Việt Nam bị nước ngoài đánh cắp, hoặc phải xuất hiện dưới nhãn mác của DN ngoại.
GS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp đánh giá, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu gạo, cà phê, tiêu… Đặc biệt, hầu như địa phương nào cũng có những đặc sản nổi tiếng gắn liền với các địa danh mà không phải nước nào cũng có. Trong đó, phải kể đến sản phẩm nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, kẹo dừa Bến Tre, bưởi Năm Roi, nhãn lồng Hưng Yên…
“Bảo hộ chỉ dẫn địa lý có thể coi là một trong những giải pháp giúp quảng bá sản phẩm xây dựng thương hiệu nông sản trong nước và trên thị trường thế giới. Câu chuyện bảo hộ chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc tại thị trường EU thành công là ví dụ”, GS. Võ Tòng Xuân nói.
Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, gợi ý: “Muốn tạo được thương hiệu, hàng Việt cần có chất lượng tốt, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật tại nơi nhập khẩu. Sau đó, mới chọn vài mặt hàng nổi bật để xây dựng thương hiệu, chứ không nên làm tràn lan”.
Bên cạnh đó, theo ông Bảnh, cần liên kết trực tiếp với các nhà bán lẻ lớn tại thị trường nhập khẩu, hạn chế các khâu trung gian hoặc xuất qua đối tác thương mại. Khi đã xây dựng được thương hiệu, bước tiếp theo là phải bảo vệ, giữ thương hiệu để không bị mất đi giống như một số thương hiệu nông sản mà chúng ta đã từng đánh mất.
Hà Long