THCL Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng xuất khẩu gạo 11 tháng của năm nay ước đạt 4,54 triệu tấn, giảm 25% về khối lượng và giảm hơn 20 % về giá trị so cùng kỳ năm 2015. Đây là mức giảm kỷ lục trong gần 10 năm qua.

Thống kê từ năm 2009 đến nay, chưa năm nào xuất khẩu gạo của nước ta lại sụt giảm như hiện nay. So với cùng kỳ cả khối lượng và giá trị đã giảm hơn 45%. Hiện hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều không hoàn thành chỉ tiêu đề ra và lượng gạo tồn kho khá lớn. Đâu là nguyên nhân khiến cho hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam giảm kỷ lục như vậy?

Xuất khẩu gạo của việt Nam giảm kỷ lục trong gần 10 năm qua - Hình 1

Xuất khẩu gạo của việt Nam giảm kỷ lục trong gần 10 năm qua

Lý giải cho sự sụt giảm trên, một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại ĐBSCL cho biết đây là hệ quả của việc mất cân đối cung - cầu trên thị trường gạo. "Thái Lan còn hơn 8,2 triệu tấn gạo tồn kho, họ đang xả hàng từ từ nên hiện cung rất thừa", ông Võ Thanh Bảo, Phó tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu An Giang cho biết. 

Nguyên nhân khác là do chính sách nhập khẩu gạo của một số nước thay đổi theo hướng tự do dẫn đến quota xuất khẩu tập trung bị sụt giảm. Cùng với đó, hiện Trung Quốc – thị trường lớn nhất nhập khẩu gạo của Việt Nam cũng đang siết chặt đường tiểu ngạch. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo của nước ta sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt hơn 1,5 triệu tấn, giảm trên 35% về khối lượng và giá trị so cùng kỳ năm trước.

Vì có quá nhiều khó khăn nên 11 tháng của năm 2016, xuất khẩu gạo của nước ta vẫn không vượt được mốc 5 triệu tấn. Lần đầu tiên, trong vòng 8 năm qua, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã phải điều chỉnh giảm chỉ tiêu xuất khẩu xuống còn 5,7 triệu tấn, tức giảm khoảng 800.000 tấn so với kế hoạch. Tuy nhiên, với tình hình khó khăn như hiện nay và với lượng gạo tồn kho lớn, chưa chắc chỉ tiêu trên có thể đạt được.

Thiên Trường