THCL Ngành nông nghiệp đã và đang có những cải cách, định hướng để trái cây Việt vươn ra thế giới bằng những hiệp định thương mại, cùng với đó là việc loại bỏ nhiều rào cản kỹ thuật. Tuy nhiên, để trái cây XK bền vững, chúng ta còn phải nỗ lực nhiều...

Xuất khẩu rau quả: Quyết liệt thay đổi phương thức sản xuất - Hình 1

 Cần thay đổi phương thức sản xuất

Ngành hàng tiềm năng

Theo Bộ NN&PTNT, 9 tháng đầu năm, XK trái cây Việt Nam đạt giá trị gần 1,8 tỷ USD, tăng 31% so cùng kỳ năm 2015, giá trị gần bằng giá trị XK của cả năm 2015.

Đáng chú ý, trong khi kim ngạch XK trái cây liên tục gia tăng khả quan trong thời gian qua thì một trong những mặt hàng nông sản XK quan trọng của Việt Nam là gạo lại sụt giảm đáng kể. Lũy kế 10 tháng đầu năm, XK gạo chỉ đạt 4,2 triệu tấn với giá trị 1,9 tỷ USD, giảm trên 21% về khối lượng và giảm 16,9% về giá trị so cùng kỳ năm 2015.

Hiện XK trái cây đã đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số các sản phẩm nông lâm ngư nghiệp và đứng thứ 3 về giá trị trong danh sách 9 sản phẩm nông lâm ngư nghiệp. Trong số 29 loại trái cây XK của Việt Nam, thanh long chiếm vị trí đầu bảng với giá trị XK đạt hơn 700 triệu USD (tương đương gần 50% tổng giá trị XK); tiếp theo là nhãn, dưa hấu...

Tốc độ XK rau quả có tín hiệu rất tốt. Trong năm nay, giá trị XK rau quả có khả năng lần đầu tiên sẽ vượt gạo và cán mốc khoảng 2,5 - 2,6 tỷ USD/năm, góp phần bù đắp vào mức tăng trưởng âm của ngành nông nghiệp trong những tháng đầu năm.

Đại diện ngành nông nghiệp cho rằng, XK rau quả tăng trưởng, không những trở thành động lực thu hút thêm các DN tham gia đầu tư, mà còn giúp nông dân tăng thêm thu nhập và thay đổi nhận thức trong tổ chức sản xuất với các quy trình sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...

“Những tháng cuối năm, ngành trái cây liên tiếp nhận nhiều tín hiệu vui khi mặt hàng măng cụt đã được cấp phép XK sang thị trường Mỹ, vải thiều Bắc Giang đã được đưa sang Australia... Tương lai, những loại trái cây đặc sản khác như thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, măng cụt… sẽ sớm gia tăng được khối lượng khi sẽ được thị trường đầy tiềm năng như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc chấp thuận”, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật chia sẻ.

Đảm bảo ATVSTP

Hiện nay, diện tích cây ăn quả của Việt Nam đạt hơn 786.000 ha, trong đó, ĐBSCL là vùng sản xuất cây ăn quả lớn nhất, chiếm gần 40% tổng diện tích cây ăn quả cả nước. Nhờ tác động của tiến bộ KH-KT, chuyển đổi giống cây trồng, sản xuất chuyên canh và trình độ canh tác của các nhà vườn được nâng cao, cùng với nền khí hậu thích hợp nên năng suất và sản lượng cây ăn quả cũng tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên, ngành trái cây đang đối mặt với nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững khi vẫn chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, ATVSTP chưa đảm bảo nên nguồn cung khó bảo đảm cả về chất và lượng. Trong khi đó, DN XK trái cây còn yếu và thiếu kinh nghiệm giao thương, quản lý.

Một vấn đề nữa, chúng ta đang rất thiếu hệ thống bảo quản rau quả phục vụ XK như kho lạnh, xe tải lạnh, các đơn vị logistics...

Nhiều chuyên gia nhận định, để ngành rau quả có thể tăng trưởng tốt, cần phải thay đổi phương thức sản xuất theo những mô hình hợp tác xã kiểu mới, tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa nông dân và DN. Cùng với đó, việc đa dạng hóa sản phẩm cũng như nghiên cứu phát triển trái cây hữu cơ hướng tới XK cũng là điều mà DN phải nghiêm túc tính đến.

Hiện nay, rào cản lớn nhất đối với ngành rau quả chính là những quy định về kiểm dịch thực vật và ATVSTP. Khi Việt Nam hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới, lộ trình thuế suất giảm dần là cơ hội để chúng ta tăng kim ngạch XK rau quả, tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa với việc các rào cản kỹ thuật tăng lên.

Do đó, có nhiều ý kiến cho rằng, để XK rau quả tiếp tục tăng trưởng mạnh, song song với kiểm soát chất lượng trồng trọt rau quả trong nước, DN cần bám sát những quy định NK của các thị trường.

“Cần phải thực hiện các biện pháp cơ bản như diệt khuẩn bằng chiếu xạ, xử lý nhiệt, trồng và chăm sóc theo những tiêu chuẩn quốc tế như Global GAP, cũng như từng bước quy hoạch đồng bộ vùng nguyên liệu cho từng thị trường, từng hợp đồng XK, đảm bảo xuất xứ địa lý của nhà vườn theo quy định. Mặt khác, tiếp tục đàm phán, mở rộng thêm trái cây vào các thị trường”, ông Hoàng Trung nhấn mạnh.

Phan Chinh