Năm 2003 Thị xã Nghĩa Lộ vinh dự là một trong 13 huyện thị trong cả nước được bộ văn hóa thể thao và du lịch quyết định xây dựng Thị xã văn hóa. Chính vì vậy, Nghĩa Lộ đã chú trọng phát triển du lịch cộng đồng tìm hiểu bản sắc văn hóa 17 dân tộc thiểu số và du lịch tìm hiểu lịch sử giúp du khách tìm hiểu các địa danh văn hóa lịch sử như  Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Khu di tích lịch sử - văn hóa Căng đồn-Nghĩa Lộ… Những gì mà Thị xã Nghĩa Lộ đã thu hút được du khách trong và ngoài nước, từng bước khẳng định đầu tư phát triển du lịch và bảo tồn văn hóa dân tộc là hướng đi đúng, hiệu quả.

Nhà nông làm du lịch

Là một trong những hộ dân tộc Thái đầu tiên làm du lịch cộng đồng ở Bản Đêu, xã Nghĩa An,Thị xã Nghĩa Lộ, Chị Hoàng thị Phượng đã đi nhiều nơi, tham khảo nhiều cách làm du lịch trong nước qua đó nắm bắt được nhu cầu của khách du lịch là được hòa mình vào với thiên nhiên, đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân địa phương. Năm 2008 gia đình chị Hoàng thị Phượng quyết định đầu tư cải tạo lại ngôi nhà sàn đang ở. Không cầu kỳ đầu tư phòng nghỉ khép kín hiện đại như khách sạn, chị đã bỏ nhiều công sức, tâm huyết đầu tư, trang trí nhà cửa bằng các dụng cụ độc đáo của người thái như đệm bông lau, chăn dệt thổ cẩm và  các món ăn đặc trưng của dân tộc. Khách du lịch đến đây cũng như một thành viên trong gia đình, từ sinh hoạt ăn nghỉ, tham gia lao động cùng với gia đình. Qua những sinh hoạt thường ngày khách du lịch thực sự hòa mình vào với đời sống của người địa phương. Tìm hiểu đời sống sinh hoạt của người dân tộc bản địa. Theo chị Phượng, cách làm du lịch như thế không phải quá khó, mọi người trong bản đều có thể làm được.Với cách làm độc đáo đó, mỗi năm gia đình chị Phượng đã đón hơn 1.000 lượt khách du lịch. chủ yếu là du khách châu Âu và Mỹ.

Xuất thân trong một gia đình làm nông nghiệp với nghề chăn nuôi là chính. Song nhận thấy được tiềm năng về văn hóa, ẩm thực của cộng đồng 17 dân tộc thị xã Nghĩa Lộ và thiên nhiên khí hậu ôn hòa được trời ban phú. Năm 2010 chị Lường Thị Hồng Chung - Thôn Chao Hạ, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ đã mạnh dạn nâng cấp cải tạo ngôi nhà mình đang ở để làm du lịch cộng đồng. Nhờ biết khai thác thế mạnh của ẩm thực, cộng với văn hóa bản địa, khách du lịch tìm đến gia đình chị ngày càng đông. Bình quân mỗi tháng gia đình chị đón hơn 300 lượt khách.

Chúng tôi đã gặp ông Davis– Du khách Mỹ đang lưu trú tại đây ông cho biết, ở bên Mỹ chúng tôi đã được nghe rất nhiều thông tin về đất nước Việt Nam. Khi đến đây chúng tôi thấy Việt Nam rất là đẹp, con người Việt Nam rất là hoà đồng và mến khách, và chuyến du lịch của chúng tôi vẫn còn nữa nhưng tôi chắc chắn rằng chuyến đi này đã để lại rất nhiều ấn tượng. Khi về nước, chúng tôi sẽ giới thiệu về đất nước, hình ảnh con người Việt Nam với gia đình và bạn bè. Tôi cũng chắc chắn rằng tất cả những người thân và bạn bè của tôi sẽ rất muốn đến Việt Nam để du lịch trải nghiệm những điều được coi là bí ẩn đối với chúng tôi.

Trao đổi với chúng tôi ông Hà Văn Hồng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết, cách làm du lịch như gia đình chị Hoàng Thị Phượng không phải quá khó, mọi người trong bản đều có thể làm được. Qua nhiều năm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đặc biệt với sự cầu thị, thông qua khách du lịch đóng góp ý kiến xã Nghĩa An cũng đang xây dựng những tiêu chí cơ bản khi làm loại hình du lịch cộng đồng.

Đầu tư về cơ sở hạ tầng và bảo tồn văn hóa dân tộc

Bà Đỗ Thanh Nga, Trưởng phòng văn hóa Thị xã cho biết, Trong hơn 10 năm qua Thị xã nghĩa lộ đã đầu tư 116 tỷ đồng để triển khai các chính sách về bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống như: Bảo tồn làng bản truyền thống; Hỗ trợ sửa nhà theo kiến trúc nhà sàn truyền thống. Thị xã hỗ trợ phát triển du lịch cho 20 hộ làm du lịch cộng đồng, hộ gia đình làm du lịch cộng đồng 10- 15 triệu/hộ để đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch.  Tổ chức khôi phục và truyền dạy 6 điệu xòe cổ dân tộc Thái, các làn điệu dân ca, các loại nhạc cụ truyền thống.

Ngoài ra, Thị xã Nghĩa Lộ tạo môi trường pháp lý thuận lợi và bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch. Hướng dẫn kĩ năng và khuyến khích người dân đầu tư cơ sở vật chất tham gia làm du lịch, lập địa chỉ đầu mối đón tiếp khách và tiếp nhận thông tin của khách, xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên chính là người dân tộc tại nơi làm du lịch. Xây dựng các tua  du lịch với các địa danh cách mạng một cách có hệ thống du khách được đi thăm Khu tưởng nịêm chủ tịch Hồ Chí Minh, khu di tích lịch sử văn hóa Căng và Đồn Nghĩa Lộ. Qua đó tái hiện được Lịch sử đấu tranh cách mạng với những chiến công vĩ đại của nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ - Mường Lò.

ông Hà Văn Hồng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết thêm, Nghĩa An cũng đã triển khai dự án làng nghề, trong đó có 42 hộ được hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ để bó và láng hè, đầu tư khung dệt nhằm phát triển làng nghề dệt truyền thống, thu hút khách tham quan và tiêu thụ sản phẩm đem lại lợi nhuận trực tiếp cho người dân. Xã còn triển khai chương trình hỗ trợ 10  nhà xây dựng công trình vệ sinh tự hoại đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh môi trường phục vụ khách đến nghỉ tại gia. Đồng thời, đầu tư một điểm du lịch cộng đồng tại nhà sàn văn hoá thôn Đêu I với các hoạt động sinh hoạt văn hoá ẩm thực, văn hoá văn nghệ, các trò chơi dân gian...

Ngay đầu năm 2014, Với mục đích nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân khu vực nông nghiệp – nông thôn gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Thị xã Nghĩa Lộ đã phê duyệt dự án: "Mô hình du lịch cộng đồng khu vực nông nghiệp - nông thôn xã Nghĩa An” với tổng mức đầu tư 980 triệu đồng. Điểm mới của mô hình là du khách sẽ được cùng ăn, cùng ở và cùng sinh hoạt văn hóa với người dân bản địa trong một quần thể du lịch văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái Mường Lò qua đó mỗi du khách sẽ tìm hiểu về mảnh đất Nghĩa Lộ - Mường Lò vốn giàu truyền thống lịch sử, huyền thoại và lòng mến khách cùng ẩm thực phong phú, đa dạng sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch. Nên 7 tháng đầu năm 2014, thị xã Nghĩa Lộ đã đón gần 30.000 lượt khách du lịch  đến thăm, tăng hơn 500 lượt khách so với cùng kỳ năm 2013; trong đó du khách là người Pháp chiếm hơn 30%. Doanh thu từ du lịch đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển về kinh tế - văn hóa – xã hội của địa phương. Thị xã phấn đấu đến năm 2015 doanh thu từ du lịch đat 5% GDP của thị xã, đến năm 2020 đạt 7% GDP của thị xã.

Đề án thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ giai đoạn 2013 – 2020, đang mở ra một hướng đi mới cho Mường Lò. Nhưng điều dễ nhận thấy Nghĩa Lộ - Mường Lò đang chuyển mình nhờ khai thác tiềm năng du lịch văn hóa dân tộc và tạo thế mạnh trong phát triển kinh tế - văn hóa –xã hội của địa phương.

Nguyễn Nhật Thanh