Đương đầu thách thức
Trong năm 2020, nền kinh tế Việt Nam bị tác động mạnh mẽ, đặc biệt là ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch COVID-19. Doanh thu ngành du lịch sụt giảm mạnh khi nhiều khách sạn, nhà hàng và chuỗi bán lẻ tại các điểm du lịch trở nên vắng khách.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2020, do việc đóng cửa biên giới để ngăn chặn Covid-19, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 79,5% so với 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; tổng thu du lịch đạt 312 nghìn tỷ đồng, giảm 58,7% - mức giảm tương đương 19 tỷ USD. Khoảng 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%.
Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch COVID-19 vẫn còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thành phố Đà Nẵng. Đặc biệt là ngành du lịch - dịch vụ của thành phố này hiện vẫn "sống dở chết dở" với hàng chục ngàn lao động mất việc và hầu hết các doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản...
Vì làn sóng COVID-19 lần thứ 3, trong quý 1, lượng khách du lịch đến Quảng Ninh thấp nhất trong lịch sử, khiến hơn 500 tàu du lịch nằm bờ, cùng hàng nghìn khách sạn, nhà nghỉ đóng cửa.
Sau thời gian “nghỉ dưỡng” do dịch COVID-19, từ đầu tháng 4, các địa phương đã đồng loạt tung ra nhiều chương trình kích cầu để thu hút khách du lịch trong năm 2021.
Thế nhưng, một lần nữa, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra ở khu vực và trên thế giới lại có chiều hướng căng thẳng khiến du lịch Việt Nam một lần nữa đứng trước nguy cơ tiếp tục bị kìm hãm, đòi hỏi phải có sự thay đổi để thích ứng.
Hiện nay, một số quốc gia như Thái Lan đang xuất hiện đợt bùng phát dịch mới, từ các ổ dịch ở Bangkok lan ra nhiều tỉnh. Tại Campuchia, dịch cũng hết sức phức tạp với hơn 4.300 ca mắc, đặc biệt trong những tuần gần đây, số ca mắc tăng đột biến. Tại Lào, số lượng người nhiễm căn bệnh nguy hiểm này đang có chiều hướng gia tăng trong những ngày qua.
Còn trên toàn cầu, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ, Ba Lan và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long tại hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 với 63 tỉnh, thành mới đây đã cho biết, hiện nay, khu vực “nóng” nhất là biên giới Tây Nam và các tỉnh Tây Nam bộ. “Nếu chúng ta lơ là, buông lỏng để xảy ra ca bệnh nhập cảnh, đặc biệt nhiễm biến chủng Anh, Nam Phi, sau đó lây nhiễm vào cộng đồng thì việc kiểm soát sẽ rất khó khăn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Việt Nam đến nay đã gần 1 tháng không ghi nhận ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng, tuy nhiên vẫn ghi nhận nhiều ca mắc là người nhập cảnh. Vấn đề lưu tâm hiện nay là tâm lý lơ là, chủ quan trong cộng đồng, tình trạng nhập cảnh trái phép, quản lý không tốt người nhập cảnh hợp pháp; kiểm tra giám sát chưa thường xuyên, chưa thực chất…
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã từng nói: “Chỉ cần một khâu, một cá nhân, một cơ sở một khoảnh khắc chủ quan buông lỏng là dịch bệnh có thể xuất hiện, dù chúng ta có phát hiện, có cách ly, có khoanh vùng, có dập dịch thật nhanh, thật hiệu quả thì du lịch cũng đã chịu những hậu quả rất lớn”.
Thay đổi để “sống chung với lũ”
Tổ chức Du lịch thế giới dự báo du lịch quốc tế chỉ có thể bắt đầu phục hồi từ quý 3 năm 2021 trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, quá trình phục hồi phải mất từ 2,5 - 4 năm. Thực tế này đặt ra thách thức cho ngành du lịch, đòi hỏi phải có sự thay đổi hợp lý để thích ứng với tác động của các yếu tố khách quan, phát triển một cách bền vững.
Theo các chuyên gia, du lịch là ngành chịu ảnh hưởng của đại dịch rõ ràng nhất nhưng cũng là một trong những ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa được kiểm soát trên thế giới, hoạt động du lịch quốc tế chưa được mở cửa trở lại, du lịch nội địa đang phục hồi dần và giữ vai trò duy trì sự ổn định của toàn ngành. Nếu nắm bắt được xu hướng du lịch mới, Việt Nam sẽ có cơ hội bứt phá, do vậy các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng để ngay sau khi dịch qua đi, thị trường du lịch khởi sắc, sẽ có những sản phẩm phù hợp phục vụ du khách.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, để tránh lặp lại một năm tổn thất nặng nề cho ngành lữ hành toàn cầu, việc tăng cường hợp tác giữa các quốc gia về các nguyên tắc đi lại là nền tảng quan trọng để có thể tái khởi động an toàn, hiệu quả các hoạt động du lịch quốc tế. Đồng thời, với những tín hiệu tích cực từ chiến dịch vắcxin, cơ hội “phá băng” du lịch đang dần hiện hữu tại nhiều khu vực trên thế giới.
Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhìn nhận, trong bối cảnh bình thường mới, vừa phòng chống dịch vừa khôi phục hoạt động, khi du lịch Việt Nam chưa mở cửa cho khách quốc tế vào Việt nam thì phát triển du lịch nội địa luôn là cứu cánh, là hướng tích cực để duy trì hoạt động của ngành.
“Để làm được điều này, cần phải có các giải pháp về xây dựng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, triển khai xúc tiến du lịch nội địa, đào tạo nguồn nhân lực trên cơ sở đáp ứng nhu cầu, sở thích của khách du lịch Việt Nam và chuyển đổi số cho các doanh nghiệp du lịch” – ông Bình cho hay.
Theo Tổng cục Du lịch, chuyển đổi số ngành du lịch vừa là yêu cầu vừa là giải pháp đột phá để tạo thuận lợi thu hút du khách và nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện nay, Tổng cục Du lịch đang có kế hoạch triển khai dự án Trung tâm điều hành du lịch thông minh với nhiều ứng dụng công nghệ hiện đại, dễ dàng kết nối với du khách.
Để sớm phục hồi sau đợt dịch COVID-19 thứ hai, ngành du lịch đã tiếp tục phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa lần 2 theo hướng đề cao yếu tố an toàn và hấp dẫn. Tổng cục Du lịch đã ban hành Bộ tiêu chí an toàn du lịch và cho ra mắt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”. Các doanh nghiệp du lịch cũng đã tranh thủ thời gian hoạt động du lịch bị đình trệ để điều chỉnh chiến lược kinh doanh, đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và đào tạo nguồn nhân lực trên toàn hệ thống chuẩn bị cho đón đầu xu hướng du lịch mới; đồng thời tích cực liên kết với các địa phương, doanh nghiệp để tạo nên sức mạnh. Các địa phương cùng với doanh nghiệp rà soát lại tình hình du lịch thời gian qua để có hướng đi đáp ứng nhu cầu thị trường.
Anh Đức