Để thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ (SHTT) đến năm 2030, ngày 24/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2205/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) đến năm 2030 với quan điểm đổi mới căn bản cách tiếp cận so với giai đoạn 2011-2020 nhằm góp phần đưa SHTT thực sự trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Theo đó, Chương trình giai đoạn 2021-2030 được xây dựng với mục tiêu, quy mô lớn hơn, nhiều nội dung mới hơn, bảo đảm hỗ trợ đầy đủ các nội dung từ hoạt động tạo ra TSTT, cho đến các nhiệm vụ bảo hộ SHTT, quản lý, khai thác, phát triển TSTT và tạo dựng văn hóa SHTT; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đặt hàng, liên kết, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để khai thác, phát triển TSTT, rút ngắn quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các văn bản, chính sách thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ mới được thông qua:

Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 với quan điểm hoạt động sở hữu trí tuệ có sự tham gia tích cực của tất cả các chủ thể trong xã hội, trong đó viện nghiên cứu, trường đại học, các cá nhân hoạt động sáng tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ, đồng thời, thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ và khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ là một trong các nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải thực hiện để triển khai Chiến lược.

Ngoài ra, nhiều chủ trương, chính sách khác liên quan đến thúc đẩy việc tạo dựng, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ cũng đã được Đảng, Chính phủ ban hành, tiêu biểu như:

Nghị quyết số 52-NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư yêu cầu “Hoàn thiện pháp luật về SHTT, bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các TSTT do Việt Nam tạo ra; khuyến khích thương mại hoá và chuyển giao quyền SHTT, đặc biệt là đối với các sáng chế tại Việt Nam”;

Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 của Chính phủ về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững quy định“thúc đẩy xây dựng và phát triển thương hiệu, Chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, tài sản trí tuệ cho các sản phẩm được bảo hộ”;

Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, yêu cầu “Hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ số, mô hình kinh doanh mới”.

Minh Anh