Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 20/6, ông Clemens Toennies, lãnh đạo công ty chế biết thịt Toennies ở bang Bắc Rhine Westphalia, cho biết đợt bùng phát đã gây ra một cuộc khủng hoảng hiện hữu đối với công ty của ông, khiến các hoạt động bị đình trệ trong bối cảnh giới chức tìm cách kiểm soát vụ bùng phát.

Vụ bùng phát tại công ty Toennies, gần thành phố Gutersloh, được thông báo lần đầu tiên hôm 17/6, khi 400 công nhân có kết quả dương tính với virus. Đến ngày thứ 6, con số đã tăng lên 803 và tiếp tục lên 1.029 vào ngày thứ Bảy.

“Với tư cách là một công ty, chúng tôi cho rằng chúng tôi thực hiện mọi việc đều đúng đắn”, ông Toennies nói, cho biết thêm rằng công ty đã cố gắng thu thập dữ liệu ca nhân của các nhân viên và các nhà thầu để giới chức có thể truy dấu vết dịch bệnh.

Một người biểu tình đứng trước công ty chế biến thịt Toennies ở bang Bắc Rheda-Wiedenbrueck, Đức (Ảnh: DPA)Một người biểu tình đứng trước công ty chế biến thịt Toennies ở bang Bắc Rheda-Wiedenbrueck, Đức (Ảnh: DPA)

“Với tư cách là một doanh nhân, tôi chỉ có thể nói xin lỗi. Chúng tôi đã gây ra điều này và hoàn toàn chịu trách nhiệm về nó”, ông Toennies nói thêm.

Vụ bùng phát tại công ty Toennies có thể khiến bang Bắc Rhine Westphalia của Đức phải áp đặt một lệnh phong tỏa rộng hơn.

Lệnh phong tỏa cục bộ là một bước lùi đối với chiến lược tái mở cửa của Đức. Thủ tướng Angela Merkel ủng hộ duy trì các biện pháp phong tỏa lâu hơn, nhưng đã nới lỏng chúng sau khi vấp phải sức ép từ lãnh đạo các vùng.

Mặc dù sự kiểm soát cuộc khủng hoảng Covid-19 tại Đức được khen ngợi là thành công nhất tại châu Âu, nước này đã chứng kiến các đợt bùng phát liên tiếp tại các lò mổ, nơi nhân viên thường là những người di cư sống trong các khu nhà tập thể đông đúc do công ty bố trí.

Đức cho tới nay ghi nhận 191.216 ca mắc Covid-19 và 8.961 người tử vong. Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tại Đức tương đối thấp so với các quốc gia châu Âu khác như Anh, Italia, Tây Ban Nha, Pháp, vốn ghi nhận vài chục nghìn người chết ở mỗi nước.

Trúc Mai