Rước họa vào thân
Trong y học dân gian, rượu thuốc vốn là bài thuốc trong y học cổ truyền, được các lương y có kinh nghiệm bốc và có bài thuốc. Thực tế, hầu hết người ngâm rượu thuốc đều theo kiểu “nghe dân gian truyền lại”, rỉ tai nhau, hoặc tự tìm hiểu trên Internet. Chính vì thiếu kiến thức về phương pháp ngâm rượu, dùng rượu, một số người đã phải gánh chịu hậu quả xấu.
Các bác sỹ Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, hầu như ngày nào trung tâm cũng tiếp nhận các ca ngộ độc rượu vào điều trị, số nhập viện tăng lên vào thời điểm cuối năm, trước và sau các kỳ nghỉ lễ, Tết, có ngày 2 - 3 ca cấp cứu.
Cách đây chưa lâu, trung tâm tiếp nhận 2 bệnh nhân vào viện cấp cứu vì uống phải loại rượu ngâm mà theo y học thì không được uống. Theo lời kể của bệnh nhân, sau khi uống, thấy có hiện tượng tê miệng, mờ mắt, người lạnh, vã mồ hôi, tim đập nhanh... Thứ rượu mà 2 người uống là củ ấu tẩu, chỉ dùng để xoa bóp, chứ không uống. Tìm hiểu được biết, thành phần hóa học chính trong ấu tẩu là aconitin (chiếm 90%). Aconitin nguyên chất là một chất độc mạnh. Với liều 1 mg có thể gây ngộ độc nặng, liều 2 – 3 mg đủ gây tử vong một người trưởng thành.
Theo lương y Lê Lương Đống (Chủ tịch Hội Đông y Hoàng Mai, Hà Nội), hiện nay, chủ yếu người dân ngâm rượu theo lời đồn thổi. Trong mọi trường hợp, thuốc ngâm rượu là không tốt. Đặc biệt, khi ngâm rượu với nhiều vị thuốc khác nhau mà không tìm hiểu kỹ về những vị thuốc xung khắc nhau, có thể gây nguy hiểm cho người uống. Chứng minh những điều mình nói, lương y Lê Lương Đống đã lấy một số ví dụ như rượu mã tiền rất nguy hiểm, có thể gây ung thư gan, xơ gan hoặc tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Rượu ngâm với một số loài động vật không thể phân hủy protid, mỡ, có thể gây ngộ độc, viêm gan cấp, tăng huyết áp hoặc nhiễm sán, ký sinh trùng lên não.
Rượu thuốc ngâm không đúng cách có thể trở thành rượu độc
Lương y Lê Lương Đống khuyến cáo, không nên uống nhiều rượu thuốc vì thuốc có liều lượng, có chỉ định và chống chỉ định, không phải cứ thích là uống. Rượu thuốc mà uống vô tội vạ thì có thể gây ngộ độc dẫn đến viêm gan, vàng da, suy thận vô niệu, tăng huyết áp, hoặc nhiễm khuẩn.
Cần được hướng dẫn
Trong y học dân gian, rượu thuốc vốn là bài thuốc được các lương y có kinh nghiệm bốc và có bài thuốc, vị thuốc rõ ràng để chữa bệnh và dùng rượu làm dẫn chất. Rượu thuốc đúng nghĩa là thuốc đông y, có thang có vị, các vị thuốc kết hợp trong một bài thuốc và được ngâm rượu là nhằm chiết xuất hoạt chất. Vì vậy, rượu thuốc nên được kê đơn bởi thầy thuốc và ngâm, uống theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc như tất cả các loại thuốc khác.
Bác sỹ Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, không ít người làm theo kiểu phong trào, thấy người ta làm cũng học theo, mặc dù không hề biết công dụng của những loại thuốc hay thứ động vật mà mình ngâm dẫn đến không ít trường hợp đột tử vì rượu ngâm.
Bác sỹ Hướng nói: “Với các loài cây, con vật, nếu dùng đúng sẽ là vị thuốc hay. Ngược lại, nếu dùng bừa bãi không đúng cách sẽ gây độc, nhất là với loài cây, cỏ hoang dã thường có chứa độc tố tác hại lên thần kinh, tim mạch, hô hấp… rất nguy hiểm”.
Trưởng khoa Y học cổ truyền (BV Quân y 108) Hoàng Khánh Toàn cho rằng, tình trạng ngâm rượu tự chế một cách bừa bãi như hiện nay là cực kỳ nguy hiểm. Có rất nhiều bài thuốc, nếu sử dụng không đúng, sẽ trở thành một độc chất có thể khiến người dùng bị ngộ độc. Vì vậy, người dân không nên uống rượu pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây độc, phủ tạng động vật không rõ độc tính, mật cá hay những rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân, bởi vì, khi cơ thể tiếp nhận một lượng lớn rượu ngâm không rõ đặc tính này, không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, mà có thể còn dẫn đến tử vong.
Ngọc Linh