THCL Hàng loạt DN sản xuất, buôn bán dược phẩm, mỹ phẩm giả, bị phát hiện đã phải nộp phạt, bị thu hồi giấy phép. Tuy nhiên, đó chưa phải là mong đợi của người tiêu dùng. Người tiêu dùng mong muốn cơ quan quản lý lên tiếng chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Sản phẩm đăng ký công bố SX theo công nghệ Đức, nhưng chỉ là lò… pha chế thủ công
Độc hại tiềm ẩn
Mỹ phẩm là mặt hàng khó kiểm soáthiện nay. Dù chỉ là để tắm, gội hay bôi ngoài da, nhưng khi dùng phải mỹ phẩm kém chất lượng, người tiêu dùng (NTD) hoàn toàn có thể nhiễm khuẩn, mắc các bệnh về da, thậm chí ung thư da.
Vừa qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện Công ty TNHH thương mại và tổng hợp Kiều Thiên Phát có nhiều nghi vấn về sản xuất hóa mỹ phẩm kém chất lượng.Theo đó, phát hiện nhiều vỏ sản phẩm, sản phẩm như sữa tắm nước hoa cao cấp mang tên Happy White, Law.Rel; nước rửa chén siêu nhân, nước giặt cao cấp siêu nhân, nước xả vải Soft pres…Kiểm tra khu vực chứa nguyên liệu đầu vào và pha chế chưa đầy 20m2, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở không bảo đảmtiêu chuẩn sản xuất, phòng chật hẹp và có nhiều ánh sáng chiếu trực tiếp vào hóa chất và sản phẩm đang được chế xuất. Kiểm tra hóa chất, cơ quan chức năng ghi nhận các hóa chất được đóng trong bao, hộp, thùng không ghi nhãn hiệu, không tem, mác hoặc ghi bằng chữ Trung Quốc và không rõ nguồn gốc xuất xứ;công thức pha chế được ghi chép sơ sài trong những tờ giấy cũ nát.Được biết,công ty tự mua nguyên liệu về và tự pha chế ra các loại sản phẩm.
Ngay cả những loại dược phẩm dùng để uống, để chữa bệnh cũng bị làm giả vô tội vạ. Thuốc được làm từ đường, phẩm màu và bột mỳ, được đóng vỉ bằng tay và bán rộng rãi trên thị trường.
Liên quan đến sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả với số lượng cực lớn của Công ty TNHH ĐT-TM-XNK Bảo Khang (Công ty Bảo Khang) bị cơ quan chức năng phát hiện vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM đã ra lệnh bắt khẩn cấp, quyết định tạm giữ đối với Nguyễn Duy Bảo, GĐ và Tống Kim Quý, Kế toán công ty.
Ngày 14/9, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, đã ra quyết định rút số đăng ký 6 loại thuốc của Công ty Sanofi-Aventis Việt Nam với lý do, hồ sơ đăng ký thuốc có tiêu chuẩn chất lượng không đúng với tiêu chuẩn chất lượng thuốc biệt dược gốc của nhà sáng chế. Thuốc không đáp ứng yêu cầu công bố thuốc biệt dược gốc theo quy định của Bộ Y tế…
NTD đã phải mất tiền để sử dụng những sản phẩm độc hại, mất kiểm soát. DN bị phạt, NTD ngậm ngùi với những gì đã mất… Còn cơ quan quản lý, dù thiếu trách nhiệm vẫn chỉ… rút kinh nghiệm!
Ai chịu trách nhiệm?
Hàng giả, hàng nhái lộng hành, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm? Câu hỏi này đã được đặt ra từ lâu,nhiều lần, nhưng sự việc vẫn rơi vào im lặng! Tại sao khi sức khỏe của hàng triệu NTD đang bị các DN kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm giả, thu lợi bất chính, nhưng chỉ các DN bị xử lý? Vì sao một viên thuốc, một gói dầu gội có đến 5 bộ quản lý (Y tế, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Công thương, Công an) mà không có bộ nào chịu trách nhiệm và không ai phải từ chứckhi quyền lợi NTD bị xâm phạm?
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nói: “Việc từ chức có thể xảy ra ở bất cứ cơ quan, tổ chức nào. Vì vậy, theo tôi nên đưa quy định từ chức vào luật cán bộ, công chức”.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Quốc hội – TS. Đinh Xuân Thảo, muốn từ bộ trưởng trở lên từ chức thì phải đưa quy định này vào luật.
TS. Nguyễn Sỹ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, ở nước ngoài, người ta từ chức vì họ nhận thấy không còn uy tín để tiếp tục tại vị, chứ chưa chắc đã mắc vi phạm. Người ta từ chức để nhận trách nhiệm, để lương tâm không bị cắn dứt; họ từ chức vì họ thấy đáng ra họ phải làm được tốt hơn”.
Ở nước ngoài, chuyện quan chức xin từ chức khi có sai phạm của cấp dưới không phải là chuyện lạ, hiếm gặp. Còn tại Việt Nam, vì sao điều đó chưa xảy ra? Câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ.
Thanh Bình (Thương hiệu & Công luận)