Người đàn bà tên Hứa Thị Phấn, biệt danh nữ đại gia “Sáu Phấn” - một cái tên gây xôn xao dư luận và trở thành cơn ác mộng của các đại án liên quan đến các nhà băng như NH Xây dựng, Ocebank và cũng chính mắt xích quan trọng trong vụ án Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm. Mà hầu hết với ai theo dõi vụ án này, không khỏi “bất an” khi con đường trở thành đại gia của Sáu Phấn “có một không hai”.

“Con nợ” bất đắc dĩ

Kết luận của Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) và cáo trạng của VKSNDTC vừa ban hành đã cho thấy Hứa Thị Phấn (sinh năm 1947) cùng đồng bọn đã lợi dụng sự tín nhiệm, dùng mọi thủ đoạn để chiếm đoạt của NH Đại tín – Trustbank (nay là NH Xây dựng Việt Nam – CB Bank) hàng ngàn tỷ đồng và đưa Công ty Phương Trang trở thành “con nợ” bất đắc dĩ với số tiền lên đến 6.000 tỷ đồng.

Đường đi tới “danh xưng” nữ đại gia của Hứa Thị Phấn - Hình 1

Hứa Thị Phấn có thể sẽ không đủ sức khỏe cho phiên tòa vào 8/5 tới, do bệnh (trong ảnh: Hứa Thị Phấn đang điều trị bệnh từ năm 2017. Ảnh: Bảo Lan)

Cụ thể, năm 2010 - 2011, do cầu vay vốn để bổ sung vào hoạt động của công ty (gọi tắt là Phương Trang) nên Phương Trang đã thế chấp các tài sản đảm bảo tại NH Xây dựng. Các tài sản đã được phía NH này định giá với tổng tài sản có giá trị lớn hơn 14.000 tỷ đồng.

Điều đáng nói, tại số liệu của NH Xây dựng báo cáo với NHNN và các cơ quan chức năng thì, tổng dư nợ của Phương Trang tại NH này là 9.436 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thực tế của kết quả đối chiếu công nợ ngay thời điểm đó giữa Phương Trang và NH Xây dựng thì, tổng dư nợ của Phương Trang tại NH này chỉ có 3.436 tỷ đồng. Phần còn lại gần 6.000 tỷ đồng, Phương Trang đã không được NH này giải ngân.

Sau đó, theo kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) cho thấy, trong số tiền tổng dư nợ của Phương Trang (9.434 tỷ đồng), Hứa Thị Phấn đã thừa nhận chiếm đoạt và sử dụng riêng gần 5.000 tỷ đồng (chưa kể 880 tỷ đồng đang trong quá trình điều tra làm rõ).

Và đại gia “lừa đảo”!

Theo cáo trạng của VKSNDTC, lợi dụng vào chủ trương của Nhà nước ban hành Nghị định 141/2006 về việc các NH phải có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng mới được phép hoạt động, nếu không sẽ buộc phải sáp nhập hoặc giải thể, trong đó, Trustbank đang chỉ có số vốn điều lệ khoảng 1.000 tỷ đồng nên Hứa Thị Phấn ra tay “giúp” đỡ. Không biết, bằng cách nào mà Hứa Thị Phấn đã nhờ được 29 đối tượng là người thân, quen đứng tên vay hơn 3.581 tỷ đồng tại chính Trustbank, để đưa vốn điều lệ của Trustbank lên 2.000 tỷ đồng (?!)

Chưa dừng lại ở đó, Hứa Thị Phấn nuôi tham vọng trở thành đại gia nhà băng bằng việc tìm cách nắm quyền điều hành chi phối của Trustbank.

Vì vậy, lợi dụng vào việc Phương Trang đang có nhiều tài sản BĐS đảm bảo đang thế chấp tại Trustbank, Hứa Thị Phấn đã “bày mưu” và chỉ đạo chia nhỏ hồ sơ vay Phương Trang. Đồng thời, Hứa Thị Phấn cũng chỉ đạo lập các chứng từ khống tất toán gốc và lãi với tổng số tiền hơn 650 tỷ đồng, nhằm không làm chênh lệch tồn quỹ tiền mặt thực tế so với số liệu tiền mặt trên sổ sách hạch toán, từ đó đã hợp thức hoá có thêm 650 tỷ đồng, cộng thêm vài khoản vay mượn khác, Hứa Thị Phấn đã nâng con số vốn điều lệ của Trustbank lên 3000 tỷ đồng và trở thành người nắm giữ đến 84,92% cổ phần của Trustbank.

Đường đi tới “danh xưng” nữ đại gia của Hứa Thị Phấn - Hình 2

Bản cáo trạng kết luận của cơ quan điều tra cho thấy Hứa Thị Phấn phạm vào nhiều tội 

Sau khi đã đạt số tỷ lệ, nghiễm nhiên Hứa Thị Phấn trở thành người có quyền hành và chi phối toàn bộ hoạt động của Trustbank. Đến lúc này, để củng cố thêm chân rết của mình nhằm mục đích tiếp tục móc ruột tại Trustbank, Hứa Thị Phấn không chỉ đưa Hoàng Văn Toàn về làm chủ tịch Trustbank, mà còn đề bạt nhiều cán bộ chủ chốt của Trustbank là những người thân của mình. Như Ngô Nguyễn Đoan Trang, phó tổng giám đốc phụ trách nguồn vốn tại NH là cháu ruột của Phấn; Lâm Hứa Huỳnh Trinh, cháu bà Phấn là cán bộ cao cấp tại Trustbank. Trong đó, Bùi Thị Kim Loan là một trong những nhân vật thân tín và là cánh tay đắc lực của Hứa Thị Phấn trong việc thực hiện các hoạt động bất hợp pháp của mình

Với một chân rết toàn những người “trong gia đình” - đã tạo ra một liên minh “ma quỷ” đã khiến cho mọi hoạt động của Trustbank được kiểm soát không vì quyền lợi của cổ đông, mà chỉ phục vụ cho nhu cầu riêng của Hứa Thị Phấn. Vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn (2007 - 2010), Hứa Thị Phấn đã được gắn danh đại gia “Sáu Phấn”.

Tuy nhiên - "của thiên trả địa", những gì không phải do chính tay mình làm ra cũng sẽ không bao giờ tồn tại. Vì vậy, Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) và VKSNDTC kết luận: Lợi dụng việc nắm giữ 84,92% vốn điều lệ tại Trustbank, Hứa Thị Phấn đã nắm quyền điều hành và chi phối, thâu tóm toàn bộ hoạt động của HĐQT của Trustbank và 2 chi nhánh (Sài Gòn và Lam Giang); điều hành mọi hoạt động đầu tư, tín dụng, thực hiện và chỉ đạo nhân viên NH thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật trong việc rút tiền, chiếm đoạt và sử dụng trái pháp luật số tiền của Trustbank 12.005.709.916.252 tỷ đồng, thông qua nhiều hành vi như nâng khống BĐS ở Phạm Ngọc Thạch, hạch toán thu - chi khống, chiếm đoạt và sử dụng 29 khoản vay của Nhóm Phú Mỹ, chỉ đạo đầu tư trái pháp luật vào 4 dự án BĐS, nâng khống giá trị của 25 BĐS khác…

Về phần nợ của Phương Trang, VKSNDTC cũng đã đề nghị, trong số dư nợ 9.402 tỷ đồng (tính đến ngày 15/11/2017), Phương Trang chỉ thực nhận 3.936,996 tỷ đồng và phải có trách nhiệm tất toán khoản này cho Trustbank, cùng lãi phát sinh. Phần tiền còn lại, bị can Hứa Thị Phấn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Bảo Lan