Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) hôm qua (05/05) nhất trí tăng sản lượng dầu ở mức khiêm tốn trong cuộc họp tại Vienna (Áo) bất chấp giá dầu bật tăng mạnh mẽ thời gian qua. Trong xu hướng giá dầu thế giới tiếp tục đà lên, các nước thành viên Liên minh Châu Âu sẽ phải cạnh tranh để có nguồn cung thay thế, trong khi Nga có thể phải chuyển hướng dòng chảy sang Châu Á và cắt giảm sản lượng.
Tại cuộc họp kéo dài chưa đầy 15 phút tại Viên (Áo) bất chấp giá dầu đang “nhảy múa”, các nước thành viên OPEC+ nhất trí tăng sản lượng dầu 432.000 thùng/ngày vào tháng Sáu tới. Đây là kết quả nằm trong dự đoán, phù hợp với mục tiêu đã đặt ra trước đó bất chấp các đề nghị OPEC+ tăng sản lượng. Giá dầu thế giới tiếp tục đà đi lên do lo ngại về thiếu hụt nguồn cung, sau khi Liên minh Châu Âu đưa ra đề xuất về các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, bao gồm cả lệnh cấm nhập khẩu dầu.
Chuyên gia nghiên cứu Georg Zachman tại Bỉ nhận định: “Nếu EU giảm khối lượng xuất khẩu của Nga sẽ chứng kiến giá dầu trên thị trường toàn cầu tăng, giá khí đốt tại Châu Âu tăng. Sản lượng dầu trên thị trường ít khiến giá sẽ cao hơn. Doanh thu từ dầu mỏ của Nga cũng có thể tăng”.
Giải thích cho quyết định của mình, một số quốc gia thành viên OPEC+ cho rằng, khoảng cách giữa cung và cầu đang được thu hẹp và giá dầu tăng cao chỉ đơn giản phản ánh sự hoảng loạn của một bộ phận người mua dầu. Nhiều quốc gia OPEC+ khác cũng đang gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng dầu do đầu tư giảm trong thời gian đại dịch, các cơ sở dầu không được bảo trì tốt để cung cấp đủ mức tăng sản lượng. OPEC + cũng phải tôn trọng mong muốn của Nga, vì nước này là một trong hai đối tác lớn nhất trong liên minh.
Bức tranh thị trường năng lượng thế giới thời gian tới cho thấy, khả năng Liên minh Châu Âu sẽ phải “chật vật” tìm kiếm các giải pháp thay thế nếu dừng nhập khẩu dầu của Nga. Việc mất một khách hàng lớn như Châu Âu cũng buộc Nga phải giảm sản lượng và chuyển hướng sang dòng chảy Châu Á.
Bà Livia Gallarati, chuyên gia cao cấp thị trường năng lượng dầu tại Mỹ nhận định, Châu Á cần nắm bắt cơ hội. “Chúng tôi đang thấy sự chuyển hướng mạnh mẽ trong dòng chảy dầu từ Châu Âu đến một số nước Châu Á, đặc biệt là Ấn Độ. Nước này hiện đang mua nhiều dầu của Nga hơn thường lệ. Chúng tôi cũng đang chứng kiến Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến việc mua dầu của Nga”, Bà Livia Gallarati nêu ý kiến.
Tuy nhiên việc hướng dòng chảy của Nga đến Châu Á cũng không đơn giản do những hạn chế về vận chuyển và hậu cần. Những khách hàng tiềm năng có thể hạn chế mua dầu của Nga vì nguy cơ đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Theo các chuyên gia, một số khách hàng tại Châu Á vẫn nên tận dụng cơ hội này để mua dầu thô giảm giá của Nga và khả năng sẽ một cuộc cải tổ lớn “các dòng chảy dầu thô” trên thế giới trong thời gian tới nếu Liên minh Châu Âu chính thức thực hiện lệnh cấm vận dầu của Nga.
Theo VOV.vn