Báo cáo quý 3/2024 của Savills cho thấy, giá thuê và công suất căn hộ dịch vụ duy trì ở mức ổn định, và đều tăng so với cùng kì năm ngoái. Tỷ lệ lấp đầy ổn định theo quý ở mức 83%, tăng nhẹ 2 điểm % theo năm. Giá cho thuê căn hộ dịch vụ tại Hà Nội tính tới quý 3/2024 đạt 588 nghìn/m2/tháng, trung bình giảm 2% theo quý, do hạng A giảm 4% và hạng C giảm 2%, nhưng vẫn tăng nhẹ 2% theo năm.
Nguồn cung hạng A của phân khúc căn hộ dịch vụ vẫn tập trung chủ yếu ở Tây Hồ. Trong khi đó, nguồn cung ở Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Long Biên đều là hạng B.
Ông Matthew Powell, Giám đốc, Savills Hà Nội, lý giải: “Dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài dồi dào và sự mở rộng của các khu công nghiệp thu hút nhiều chuyên gia nước ngoài tới Việt Nam làm việc. Điều này giúp tạo ra nguồn cầu ổn định cho phân khúc căn hộ dịch vụ”.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp có xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng hoặc rút hoàn toàn dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc, do chi phí nhân công và sản xuất tại quốc gia này không còn duy trì được tính cạnh tranh như trước.
Trong bối cảnh này, Việt Nam nổi lên như một điểm đến hấp dẫn nhờ vị trí chiến lược tại trung tâm Đông Nam Á. Đồng thời, Việt Nam có lợi thế về chi phí nhân công, với mức thu nhập trung bình của ngành sản xuất là 329 USD/tháng, thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực. So sánh với các nước lân cận, con số này chỉ cao hơn Indonesia và thấp hơn Trung Quốc khoảng 3,4 lần.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng không ngừng đưa ra chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, nhằm tăng khả năng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê tính tới 8/2024, tổng FDI vào Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD, tăng 7% theo năm. Vốn FDI thực hiện đạt 14,2 tỷ USD, tăng 8% theo năm, ghi nhận mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Riêng tại Hà Nội, vốn FDI đạt 1.476,3 triệu USD, tăng mạnh 71% so với năm trước, 178 dự án mới được cấp phép.
Không chỉ giới hạn trong thủ đô, các tỉnh phía Bắc lân cận Hà Nội như Bắc Ninh, Phú Thọ, Bắc Giang và Thái Nguyên cũng có dòng vốn đáng kể, gia tăng nhu cầu về nhà ở nhờ thu hút ngày càng nhiều chuyên gia nước ngoài. Điển hình, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính tới tháng 9/2024, Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,5 tỷ USD, chiếm 18,2% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp 3,47 lần cùng kỳ.
Mặc dù nhu cầu nhà ở từ các chuyên gia nước ngoài đang gia tăng, nguồn cung căn hộ dịch vụ tại các tỉnh này vẫn còn hạn chế. Đồng thời, chất lượng sản phẩm nhà ở chưa đáp ứng tiêu chuẩn cao cấp. “Do đó, các chuyên gia nước ngoài vẫn có xu hướng lựa chọn Hà Nội để sinh sống nhằm dễ dàng tiếp cận với hệ thống tiện ích đa dạng và nguồn cung nhà ở chất lượng cao”, ông Matthew lý giải.
Sự phát triển của cơ sở hạ tầng kết nối giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia nước ngoài tiếp cận trung tâm thành phố cũng như di chuyển đến các tỉnh lân cận thủ đô. Trong đó, có thể kể đến một số các dự án nổi bật như quốc lộ 1A, quốc lộ 18, đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên…
Nhờ nguồn cầu được duy trì ổn định, công suất thuê căn hộ dịch vụ trong quý 3/2024 tiếp tục duy trì ở mức 83%, tăng 2 điểm % theo năm.
Theo chuyên gia Savills, nguồn cung căn hộ dịch vụ tương lai chủ yếu tập trung ở khu vực Nội thành và phía Tây, với 83% tập trung ở khu vực Nội thành và 17% còn lại ở phía Tây.
Các đơn vị vận hành quốc tế vẫn sẽ chiếm ưu thế với 87% nguồn cung căn hộ dịch vụ tương lai được vận hành bởi các tên tuổi như The Ascott, Lotte Group, Park Royal Serviced Suites Hà Nội, Shilla Hotel & Resort, Hilton và Hyatt. Chất lượng dịch vụ được cung cấp bởi các đơn vị quản lý vận hành quốc tế giúp căn hộ dịch vụ duy trì được sức hút.
Thuỳ An