Cụ thể, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hôm 01/02 thông báo nâng lãi suất tham chiếu thêm 25 điểm cơ bản (0,25%), đúng như dự báo của thị trường.

Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện vào khoảng 4,5-4,75%. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 10/2007.

Fed tăng lãi suất cơ bản lần thứ tám. Ảnh internet
Fed tăng lãi suất cơ bản lần thứ tám. Ảnh internet.

Theo VnFed đã tăng lãi tám lần liên tiếp kể từ tháng 03/2022. Lãi suất này áp dụng cho các khoản vay qua đêm liên ngân hàng. Dù đây không phải mức mà người tiêu dùng phải trả, động thái của Fed vẫn có thể ảnh hưởng đến lãi suất cho vay và tiết kiệm mà họ tiếp xúc hàng ngày, như vay mua nhà, mua xe, dùng thẻ tín dụng.

Mục tiêu của Fed là hạ nhiệt lạm phát hiện vẫn quanh mốc cao nhất 40 năm. Trong thông báo sau phiên họp chính sách hôm qua, Fed nhận định lạm phát "đã hạ nhiệt phần nào, nhưng vẫn ở mức cao".

Nhận định về lần tăng lãi suất thứ tám liên tiếp của FED và ảnh hưởng với kinh tế trong nước, theo PGS.TS Đỗ Hoài Linh - Phó Trưởng bộ môn Ngân hàng Thương mại, Đại học Kinh tế Quốc dân không có gì bất ngờ. "Chúng ta đã hoàn toàn dự tính và tiên liệu được trước đó. Theo quan điểm của tôi việc biến động này sẽ không ảnh hưởng gì tới việc điều hành cũng như thực thi chính sách tiền tệ trong bối cảnh hiện tại", bà Đỗ Hoài Linh nói.

Thực tế tại thị trường trong nước, mặt bằng lãi suất có phần hạ nhiệt, giảm từ 0,1 - 0,5%/năm so với cuối năm ngoái. Dù vậy, vẫn có khá nhiều người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng đầu năm, giúp đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng.

Lãi suất tiền gửi 06 - 12 tháng, đa phần được các ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết từ khoảng 8 - 9,5%/năm, đều đã giảm nhẹ so với thời điểm trước Tết. Nhưng nhiều người vẫn chọn gửi tiền để lấy may đầu năm.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền gửi từ dân cư đã chảy vào hệ thống ngân hàng nhiều hơn từ cuối tháng 11/2022, với mức tăng mạnh 8,9% so với mức 6,8% của tháng 10. Xu hướng này tiếp tục mạnh hơn sau Tết đã góp phần tạo nguồn vốn ổn định cho hệ thống.

Ngân hàng Nhà nước sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng

Việc Fed giảm tốc độ tăng lãi suất, với kế hoạch dừng tăng lãi suất trong năm 2023 trong bối cảnh kinh tế Mỹ có triển vọng kém tích cực đã khiến cho chỉ số DXY tiếp tục có diễn biến hạ nhiệt sau khi đạt đỉnh 20 năm từ hồi tháng 10/2022.

Bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng diễn biến này sẽ giúp giảm áp lực mất giá đối với VND trong năm nay, giúp cho VND sẽ có diễn biến ổn định hơn so với năm 2022.

Thực tế, tính tới hết tháng 01/2023, VND đã tăng trở lại 0,75% so với USD (so với cuối năm 2022). Lãi suất ở mặt bằng cao cùng chỉ số DXY hạ nhiệt là những yếu tố đang hỗ trợ cho sự lên giá của VND.

Không chỉ VND mà tất cả đồng tiền tại các nước mới nổi ở Châu Á (theo mẫu theo dõi của BVSC) cùng có chung diễn biến lên giá so với cuối năm 2022. Trong đó, đồng Baht của Thái Lan là đồng tiền có diễn biến tăng giá cao nhất 4,76%.

Việc đồng VND vẫn có diễn biến lên giá trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước có động thái mua USD trở lại (theo một số nguồn tin) cho thấy áp lực tỷ giá từ ngoại cảnh đang giảm bớt. Kết hợp cùng việc kiểm soát được chỉ số CPI trong những tháng tới về dưới ngưỡng mục tiêu 4,5%, đây sẽ là cơ sở để hạ tiếp mặt bằng lãi suất và dần nới lỏng hơn về chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng.

"Lãi suất huy động gần như đi ngang trong tháng 1, có dấu hiệu giảm nhiệt từ cuối tháng. Với áp lực hỗ trợ tỷ giá giảm bớt, chúng tôi cho rằng áp lực tăng lãi suất không còn trong năm 2023. Thay vào đó, chính sách tiền tệ năm nay nhiều khả năng sẽ chuyển sang hướng hỗ trợ cho tăng trưởng", các chuyên gia BVSC nhận định.

Các chuyên gia cũng kỳ vọng, lãi suất sẽ giảm trở lại trong năm 2023 này, với các dấu hiệu rõ nét hơn từ quý II/2023, khi Fed ngừng việc tăng lãi suất và lạm phát của Việt Nam hạ nhiệt.

Trước động thái Fed tăng lãi suất chậm lại, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế đánh giá, trong bối cảnh hiện nay Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể đưa ra nhiều biện pháp, trong đó có thể có phương án yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay trên thị trường để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp nhiều hơn.

Giữ quan điểm lạc quan, chuyên gia đến từ Economica Việt Nam cũng cho rằng, việc Fed giảm tốc độ tăng lãi suất lần này chưa thể cho thấy hết lộ trình tiếp theo sẽ như thế nào. Tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu tích cực, giảm bớt một chút gánh nặng trong điều hành chính sách tiền tệ trong năm nay của nhà quản lý tiền tệ, đặc biệt là giảm áp lực phải tăng lãi suất. Đồng thời, áp lực về tỷ giá cũng sẽ giảm đi, không còn quá nặng nề như giai đoạn trước.

Lê Pháp (T/h)