Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo báo cáo, các ngân hàng Việt Nam nằm trong xếp hạng của Fitch đã tăng 45% các khoản nợ quá hạn trong quý I năm nay so với cuối năm 2019 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế. Các khoản nợ ấy dự kiến ​​sẽ còn tăng mạnh hơn nữa khi triển vọng kinh tế vẫn ảm đạm do nhu cầu toàn cầu yếu. 

Gần 5 triệu người, tương đương xấp xỉ 10% dân số Việt Nam trong độ tuổi lao động, được báo cáo là đã chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch với nguy cơ giảm giờ làm hoặc mất việc làm. Điều này báo hiệu rủi ro sụt giảm mạnh các khoản cho vay bán lẻ - vốn dĩ đóng góp tới 40% trong tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, theo đánh giá của Fitch (gần gấp đôi so với tỷ trọng 23% hồi cuối năm 2014).

Những khoản vay này chủ yếu bao gồm các khoản thế chấp và cho vay kinh doanh cá nhân được đảm bảo bằng tài sản. Tuy nhiên, quá trình xử lý nợ có thể bị kéo dài và gặp cản trở bởi các quy định còn chưa hoàn thiện và cần phải tiếp tục sửa đổi.

Ngoài ra, những căng thẳng trong chất lượng tín dụng ngày càng gia tăng trong hệ thống ngân hàng còn có thể dẫn đến chất lượng lợi nhuận yếu đi và làm tăng rủi ro suy giảm vốn khi chi phí tín dụng tăng. Giống như nhiều ngân hàng trong khu vực, một số ngân hàng Việt Nam đã áp dụng các biện pháp ưu tiên để tăng cường các khoản dự phòng tổn thất nhằm bảo vệ bảng cân đối kế toán ngay cả khi nhiều quy định được nới lỏng, cho phép giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay chịu ảnh hưởng bởi sự bùng phát virus corona.

Nếu tiếp tục bổ sung dự phòng cho những khoản vay yếu mới, Fitch Ratings ước tính rằng các ngân hàng có thể sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt vốn lên tới 2,5 tỷ USD để đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của Ngân hàng Nhà nước theo chuẩn Basel II là 8%, trong đó các ngân hàng quốc doanh sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt vốn lớn nhất.

Nếu xét trên toàn hệ thống, tình trạng thiếu vốn sẽ cao hơn nhiều, vì các ngân hàng được Fitch xếp hạng - là những ngân hàng mạnh trong hệ thống - chỉ chiếm 27% tổng các khoản cho vay trong toàn ngành. "Nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ và hướng các ngân hàng hạ lãi suất cho vay hơn nữa để giảm bớt gánh nặng tài chính cho người đi vay và thúc đẩy nền kinh tế, chúng tôi giả định rằng tỷ trọng các khoản nợ có vấn đề của các ngân hàng được xếp hạng sẽ tăng lên khoảng 6 - 9% (từ 0,5 - 1,2% vào cuối năm 2019) với lợi nhuận biên giảm 70 - 80 điểm cơ bản", Fitch nhận định.

Tuy nhiên, Fitch Ratings bày tỏ lạc quan rằng tác động của đại dịch đối với lợi nhuận của các ngân hàng sẽ ở mức vừa phải vì các ngân hàng có thể tận dụng các hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước để giảm biến động thu nhập nếu căng thẳng trở nên rõ rệt hơn. Bên cạnh đó, việc bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) cho phép các nhà băng khấu hao chi phí dự phòng trong vòng 5 năm, hạn chế hơn nữa tác động trong ngắn hạn đối với thu nhập.

Những tác động cuối cùng về chất lượng tài sản và lợi nhuận sẽ phụ thuộc vào thời gian và mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát. Nếu dịch bệnh được kiểm soát, tổ chức xếp hạng này tin tưởng rằng Việt Nam có thể khôi phục lại nền kinh tế.

Theo đó, sự suy giảm chất lượng tài sản có thể sẽ ít nghiêm trọng hơn, điều này có thể khiến Fitch điều chỉnh lại triển vọng của ngành ngân hàng và tăng hạng trở lại mức Ổn định từ mức Tiêu cực hiện nay. Ngược lại, việc xếp hạng ở mức Tiêu cực có thể xảy ra nếu điều kiện kinh tế trở nên căng thẳng hơn, dẫn đến chất lượng tài sản và lợi nhuận của các ngân hàng suy yếu và điều này sẽ có khả năng gây suy giảm vốn.

 Theo Nhịp sống kinh tế