Lễ Giỗ Tổ Nghề Mộc năm Quý Mão và Hội nghị tổng kết hoạt động chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2023 do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản (G&LS) tỉnh Bình Định (FPA Bình Định) tổ chức.
Tham dự Lễ Giỗ Tổ và Hội nghị có các vị: Nguyễn Tuấn Thanh, ủy viên BanThường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội G&LS Việt Nam; Nguyễn Thái Bình, Giám đốc Sở Ngoại vụ Bình Định; Võ Mai Hưng, Phó giám đốc Sở Công Thương Bình Định; Lê Minh Thiện, Chủ tịch FPA Bình Định; cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị: Hiệp hội VIFOREST, HAWA, BIFA, DOWA, các Chi hội Dăm gỗ,Viên nén, Gỗ dán và các Hiệp hội bạn trên địa bàn tỉnh…
Thay mặt Ban tổ chức, ông Lê Minh Thiện đã trình bày Báo cáo Tổng kết năm 2023 và nhiệm vụ năm 2024 của FPA Bình Định.
Báo cáo cho biết: Năm 2023, trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu biến động phức tạp, khó lường, ảnh hưởng của hậu đại dịch Covid-19, cuộc chiến Nga – Ucraina, lạm phát cao, nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thu hẹp,lãi suất cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu; khả năng suy giảm đơn hàng kéo dài, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong thanh toán quốc tế… Tình hình trên đã tác động không nhỏ đến thị trường đồ gỗ và sản phẩm gỗ.
Trước tình hình trên, FPA Bình Định đã bám sát các chủ trương, chính sách của Chính phủ, các bộ ngành, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các Sở ban ngành, hợp tác, phối hợp chặt chẽ các chương trình, hoạt động, kịp thời hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn… Nhờ vậy, các hội viên trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực, vượt khó khăn để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng vào giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của tỉnh, định hình phát triển ngành công nghiệp chế biến đồ gỗ nội thất và lâm sản theo chiều sâu, hàm lượng giá trị gia tăng cao, có công nghệ tiên tiến, năng suất lao động cao cho ngành gỗ Bình Định như các Hội viên: Phú Tài, Tiến Đạt, Đại Thành, Hoàng Hưng, Đức Hải, Đức Toàn, Nghĩa Tín, Năng lượng Sinh học Phú Tài, Gia Hân, Hoàng Giang và hơn 130 Hội viên trên địa bàn tỉnh và tại các địa phương khác như: Đồng Nai, Tp. Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Đăk Nông, Hà Nội; Thu hút nhiều tập đoàn, chuỗi phân phối đồ gỗ, sản phẩm gỗ hàng đầu tại các thị trường Hoa Kỳ, EU, Anh, Úc,Nhật Bản, Trung Quốc như: Ashley, Masterbrand Cabinet, Walmart, Target, HomeDepot,Kingfisher, Chenming, Itochu, Enviva,…
Kết quả, theo thống kê, năm 2023, KNXK toàn tỉnh ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2022. Trong số này, KNXK của các Hội viên ngành gỗ đạt 925,8 triệu USD, giảm 2,3% so với năm 2022. Trong đó: Đồ gỗ nội thất, ngoại thất, sân vườn đạt 387,96 triệu USD (giảm 18,6%); các loại sản phẩm gỗ khác (Dăm mảnh, viên nén...) đạt 373,4 triệu USD (tăng 21,2%); các sản phẩm từ nhựa đan, giả mây đạt 164,44 triệu USD (tăng 0,7%); giá trị kim ngạch nhập khẩu gỗ trong năm 2023 ước đạt 25,57 triệu USD, giảm mạnh 55% so với năm 2022. So với giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2023 của Việt Nam theo Bộ Nông nghiệp và PTNT ước đạt trên 14,3 tỷ USD, giảm16,8% so với năm 2022; giá trị kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2023 ước đạt 2,2tỷUSD, giảm 27,4 % so với năm 2022…
Bên cạnh đó, tuy ngành gỗ có độ mở lớn, chịu ảnh hưởng nặng của biến động các thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU, nhưng năm 2023 ngành gỗ vẫn giữ được mức KNXK xấp xỉ năm 2022, chiếm khoảng 58% tổng giá trị XK toàn tỉnh, tạo việc làm trực tiếp cho gần 30.000 lao động, đóng góp cho chỉ tiêu tăng trưởng sản lượng công nghiệp và kim ngạch xuất nhập khẩu của Tỉnh và ngành gỗ Việt Nam. Đáng lưu y, ngành gỗ Bình Định đứng thứ tư về KNXK gỗ và sản phẩm gỗ cả nước, nếu chỉ tính riêng khối DN Việt Nam thì đứng thứ hai chỉ sau Bình Dương…
Cũng theo ông Lê Minh Thiện, năm 2024, tình hình kinh tế thế giới, trong nước tiếp tục còn khó khăn, thách thức, nhất là về đơn hàng, thị trường XK, xung đột tại Nga – Ucraina, xung đột Israel - Hamas; khu vực eo biển Đỏ bất ổn; các thị trường lớn như Mỹ, EU,Anh vẫn chịu tác động lớn của lạm phát, lãi suất cao kéo dài, chính sách thắt chặt tiền tệ; làn sóng phá sản DN lan rộng tại các thị trường xuất khẩu; nhiều quy định pháp lý mới tại thị trường EU, Hoa Kỳ (EUDR, CBAM, Lacey) và các cuộc điều tra kéo dài của Bộ Thương mại Mỹ đối với ngành gỗ (gỗ dán, tủ gỗ) lẩn tránh xuất xứ nhập khẩu vào Hoa Kỳ,…
Riêng đối với DN ngành gỗ, năm 2024 sẽ gặp những khó khăn của môi trường kinh doanh trong nước như: khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hạn mức tín dụng giảm, lãi suất cao, thiếu vốn đầu tư công nghệ sản xuất mới; áp lực cạnh tranh do thiếu hụt lao động, năng suất lao động của công nhân còn thấp; bị động nguồn nguyên liệu, vật liệu đầu vào do giá cả biến động tăng, suy giảm về khối lượng và chất lượng gỗ, khó đáp ứng yêu cầu toàn bộ gỗ có chứng chỉ, hay hồ sơ khai thác…
Tuy vậy, FPA Bình Định nhận định: Năm 2024, khả năng phục hồi của ngành gỗ tăng nhanh trong quý 01/2024. Vì vậy, FPA xác định: Năm 2024, ngành G&LS Binh Định sẽ phấn đấu dạt giá trị KNXK trên 1 tỷ USD, góp phần hoàn thành mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp, KNXK toàn tỉnh và ngành gỗ Việt Nam.
Đồng thời, nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ trên, FPA Bình Định đã đề ra các nhóm giải pháp hiện thực hóa mục tiêu này dựa trên chiến lược đa dạng hóa thị trường, khách hàng theo phương châm “tự lực, tiết kiệm”, tăng đầu tư cho các hoạt động cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất, sáng tạo trong tìm kiếm, lựa chọn khách hàng, đơn hàng phù hợp năng lực, điều kiện sản xuất kinh doanh của từng Hội viên.
Cụ thể FPA Bình Định xác định:
- Phối hợp với Công ty CP Hội chợ ngành gỗ Việt Nam tập trung nguồn lực tổ chức thành công Hội chợ Quốc tế Hàng Phong cách Ngoài trời Quy Nhơn 2024; tham gia các Hội chợ triển lãm quốc tế đồ gỗ và sản phẩmhàng hóa, dịchvụphục vụ ngành gỗ trong nước như: HawaExpo 2024, BifaWood 2024..
- Tiếp tục quảng bá thương hiệu “Đồ gỗ Bình Định” cho nhóm hàng đồ gỗ ngoài trời, đồ gỗ nội thất, nhựa đan tại các thị trường Hoa Kỳ, EU, Anh, Úc, Canada, Nhật Bản,…Phối hợp triển khai thực hiện các dự án, tổ chức các hội thảo, diễn đàn thương mại gỗ với các tổ chức quốc tế(ForestTrends, GIZ, SIPPO, TRAFFIC, WWF,…)
- Tập trung công tác chuẩn bị về nhân sự và văn kiện tiến hành tổ chức Đại hội Hiệp hội lần thứ 7 nhiệm kỳ 2024-2027 để kế thừa và phát huy tầm nhìn và định hướng chiến lược phát triển ngành gỗ và lâm sản tỉnh trong những năm tiếp theo.
- Tích cực tham mưu xây dựng chính sách phát triển ngành; Tổng hợp, phân tích tình hình thị trường, chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho ngành gỗ dựa trên thông tin phản ảnh chính xác, kịp thời của Hội viên và dữ liệu thu thập qua các kênh hợp tác với các Hiệp hội bạn, các tổ chức trong nước và quốc tế.
- Phối hợp với Cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp&PTNT, Chi cục Kiểm lâm, Hải quan tỉnh triển khai thực thi Nghị định 102 sửa đổi của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp&PTNT kết hợp với Hệ thống trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ của Hiệp hội; Hợp tác với Cục Lâm nghiệp và TRAFFIC Việt Nam tiếp tục triển khai Bộ quy tắc ứng xử của Hiệp hội.
- Khuyến khích các Hội viên đầu tư trồng rừng gỗ lớn, hình thành vùng nguyên liệu có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; Đầu tư phát triển nhà máy chế biến sâu sau dăm như ván dăm okal, ván MDF, ván ghép thanh; Tìm kiếm, mở rộng thị trường XK cho nhóm ngành hàng nhựa đan; Hỗ trợ phát triển hài hòa các ngành hàng dăm gỗ, viên nén, giải quyết tình trạng cạnh tranh nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng đầu vào của nhiều ngành chế biến.
- Tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương thực hiện Đề án “Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2035”; Phối hợp Sở Nông nghiệp & PTNT, Chi cục Kiểm lâm kết nối, tiêu thụ sản phẩm gỗ của người trồng rừng theo chương trình trồng rừng gỗ lớn và “Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2020-2025”…
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Thanh ghi nhận, biểu dương những nỗ lực và kết quả mà FPA Bình Định và các DN chế biến gỗ, lâm sản XK trên địa bàn tỉnh đạt được trong năm 2023.
Ông Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thử thách, song tình hình KT-XH của tỉnh Bình Định vẫn đạt được kết quả ấn tượng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Trong đó, tất cả 18/19 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển KT-XH đạt và vượt kế hoạch; tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 7,61%, vượt so với kế hoạch HĐND tỉnh giao là 7 đến 7,5%; xếp thứ 17/63 địa phương cả nước, thứ 06/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và thứ 1/5 địa phương khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Quy mô kinh tế của tỉnh xếp thứ 24/63 địa phương trong cả nước, thứ 5/14 địa phương vùng phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và thứ 3/5 địa phương khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung... Kết quả trên có một phần đóng góp không nhỏ của FPA Bình Định và các DN chế biến gỗ, lâm sản XK trên địa bàn tỉnh.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, ông Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu FPA Bình Định cần quan tâm triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp như: Phấn đấu thực hiện thành công giá trị KNXK 01 tỷ USD; Chuẩn bị và tổ chức tốt Đại hội lần thứ VII Hiệp hội FPA Bình Định; Kết nối các DN thành viên thành một tập thể đoàn kết, găn bó, đồng thời kết nối chặt chẽ với UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương, các ngân hàng thương mại; Chuẩn bị tốt các điều kiện để tham gia Hội chợ Quốc tế đồ gỗ ngoài trời năm 2024...
Thay mặt Ban chấp hành Hiệp hộiG&LS Việt Nam, ông Ngô Sỹ Hoài ghi nhận và đánh giá cao tinh thần nỗ lực vượt khó và kết quả mà FPA Bình Định và các DN G&LS Bình Định đạt được trong thời gian qua.
Ông Phó Chủ tịch Hiệp hội cho biết:Năm 2023, trong bối cảnh tình hình khó khăn, giá trị KNXK của ngành G&LS Việt Nam giảm gần 16% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi đó Bình Định vẫn đạt giá trị KNXK 1,6 tỷ USD (tăng 3%), trong đó FPA Bình Định đạt 925,8 triệu USD (chỉ giảm 2,3% so với năm 2022). Đây là thành tích xuất sắc nhất trong hệ thống ngành G&LS Việt Nam.
Đặc biệt, tại Lễ Giỗ Tổ Nghề Mộc năm Quý Mão và Hội nghị tổng kết hoạt động chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2023, Ban tổ chức đã tiến hành Lễ trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam và Bằng khen của Hiệp hộiG&LS Việt Nam cho FPA Bình Định vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu..
Viết Hiền