Được biết, Mỹ là thị trường xuất khẩu phần mềm lớn thứ hai của FPT. Trong năm 2017, thị trường này đã mang về cho FPT 50 triệu USD, tăng trưởng 17% so với năm 2016.

Trước khi có Intellinet, FPT đặt chỉ tiêu doanh thu 2018 khoảng 65 triệu USD, sau khi hoàn tất thương vụ, con số này có thể đạt khoảng 100 triệu USD với riêng thị trường Mỹ nếu tính trọn vẹn năm tài chính.

FPT thâu tóm 90% vốn của Intellinet - Hình 1

Sự kết hợp giữa thế mạnh của FPT và Intellinet cũng giúp công ty đẩy mạnh hoạt động tại thị trường Mỹ và giúp Intellinet trở thành công ty tư vấn toàn cầu.

Xuất khẩu phần mềm là động lực tăng trưởng quan trọng của FPT. Trong nhiều năm qua, doanh thu từ mảng hoạt động này luôn tăng trưởng trung bình trên 30%/năm và dự kiến sẽ đóng góp 50% vào tổng doanh thu của Tập đoàn.

5 tháng đầu 2018, doanh thu mảng xuất khẩu phần mềm của FPT đạt 2.869 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ, chiếm 34% tổng doanh thu của toàn Tập đoàn.

Được biết, Intellinet là một trong những công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ. Việc FPT chỉ mua 90% vốn là do phía công ty Mỹ muốn giữ lại 10% vốn để cùng tham gia phát triển và hưởng thành quả trong tương lai. Cả hai bên muốn ‘bắt tay’ đi chung, cùng phấn đấu đến mục tiêu vươn ra toàn cầu.

FPT định giá vốn hóa thị trường của Intellinet khoảng 40-50 triệu USD. Với việc mua 90% vốn, FPT thanh toán một phần giá trị thương vụ là 30 triệu USD. Phần còn lại sẽ được FPT chi trả trong tương lai và định giá cụ thể dựa trên kết quả kinh doanh của Intellinet.

Thương vụ mua lại Intellinet sẽ giúp FPT nâng tầm vị thế công nghệ, trở thành đối tác cung cấp các dịch vụ công nghệ tổng thể với giá trị cao hơn và toàn diện hơn cho khách hàng, từ khâu tư vấn chiến lược, thiết kế đến triển khai, bảo hành bảo trì, đặc biệt trong các dự án chuyển đổi số.

Tại Mỹ, FPT đang cung cấp dịch vụ cho khoảng 200 khách hàng trong các lĩnh vực hàng không vũ trụ, y tế, ngân hàng - tài chính, viễn thông, ô tô….

Ngọc Linh