Cụ thể, về thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi (C/O), trong khi một số FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA hướng tới việc áp dụng cơ chế doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ, thì Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (FTA VN – EAEU) vẫn áp dụng qui trình cấp chứng nhận xuất xứ truyền thống (cấp C/O thông qua một cơ quan có thẩm quyền do Nhà nước quy định), tương tự các FTA kí trước đây mà Việt Nam đang thực hiện.
FTA VN - EAEU chấp nhận cả hình thức cấp C/O giấy và C/O điện tử.
C/O EAV không hạn chế số lượng mặt hàng khai báo C/O bằng việc cho phép sử dụng tờ khai báo đính kèm C/O.
Ảnh minh hoạ
Theo Hiệp định này, hai Bên cam kết sẽ nỗ lực để áp dụng Hệ thống xác minh và chứng nhận xuất xứ điện tử (EOCVS) trong vòng tối đa 2 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực.
Cam kết này nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu mạng ghi lại thông tin của tất cả Giấy chứng nhận xuất xứ được cấp bởi cơ quan được ủy quyền, và cơ quan hải quan nước nhập khẩu có thể truy cập, kiểm tra tính hiệu lực và nội dung của bất kì Giấy chứng nhận xuất xứ đã được cấp nào, qua đó giúp giảm thời gian xem xét, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và hạn chế gian lận.
Hiệp định FTA VN - EAEU yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hai Bên chỉ phải thông báo mẫu con dấu của tổ chức được ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ theo Hiệp định FTA VN - EAEU (C/O EAV).
Đây là một bước tiến so với nhiều FTA Việt Nam đã kí khi các FTA yêu cầu thông báo cụ thể cả mẫu con dấu và mẫu chữ kí của từng cán bộ cấp C/O.
Qui định mới trong Hiệp định FTA VN - EAEU tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong quá trình thông quan hàng hóa khi khác biệt về mẫu chữ kí không còn là nguyên nhân khiến C/O bị nghi ngờ tính xác thực.
Minh Đức