Ông Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: “Nếu năm 2023 kinh tế thế giới khó khăn và kinh tế trong nước bị ảnh hưởng đồng thời với kinh tế vĩ mô diễn biến đi ngang. Thị trường bất động sản sẽ đi xuống do các khoản nợ đến hạn, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp. Nếu không có khoản tiền đáp ứng yêu cầu trả lãi và tất toán, thị trường bất động sản bắt buộc phải điều chỉnh giảm để cơ cấu lại thị trường. Điều này khó xảy ra nhưng không phải không thể xảy ra”.
Thị trường bất động sản bắt đầu suy giảm từ quý II/2022. Trong đó, mức độ quan tâm và lượng giao dịch bất động sản có xu hướng giảm do tác động của những thông tin không tích cực như chủ đầu tư lớn bỏ cọc lô đất tại Thủ Thiêm; tăng lãi suất sau hơn 03 năm khiến thị trường bất động sản đi xuống...
Nếu năm 2023, ngân hàng duy trì lãi suất cao hoặc tiếp tục tăng lãi suất, doanh nghiệp bất động sản sẽ chịu nhiều khó khăn nhất. Doanh nghiệp bất động sản khi hoạt động cũng chủ yếu trên nguồn vốn đi vay ngân hàng, người mua nhà cũng phải vay tiền, nên sẽ chịu tác động kép.
Việc tăng lãi suất cũng làm giá bán bất động sản tăng, trong bối cảnh thị trường trầm lắng như hiện nay thị trường bất động sản giảm tính thanh khoản và trầm lắng kéo dài.
Ngoài những khó khăn về tín dụng, chênh lệch cung - cầu trên thị trường bất động sản đang là vấn đề của thị trường bất động sản. Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, giá bất động sản hiện nay đã tăng mạnh thời điểm này đã tăng 30% so với năm 2021 và 50% so với 2019, có phân khúc tăng đến 100%.
“Thị trường Bất động sản đang thiếu cung, cơ cấu sản phẩm lại không cân đối, dự án nhà chung cư rất ít, nhà thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội gần như không có trong khi nhu cầu của thị trường rất lớn, điều đó khiến giá bất động sản tăng. Các dự án nhà ở xã hội cần được tháo gỡ về mặt thủ tục, tăng nguồn cung để giảm giá nhà”, ông Nguyễn Văn Đính Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản nói.
Bên cạnh nguồn cung căn hộ giá rẻ, nguồn cung ở các phân khúc nhất là căn hộ chung cư suy giảm đáng kể trong những năm qua do những vướng mắc pháp lý.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, hiện thị trường bất động sản có rất nhiều dự án đầu tư chưa triển khai thực hiện hoặc dừng thi công khiến nguồn cung giảm. Cơ cấu sản phẩm bất động sản đang ở tình trạng mất cân đối, chưa phù hợp nhu cầu thị trường khi dư thừa nhà ở thương mại cao cấp, ít nhà ở giá trung bình phù hợp với đại đa số người dân.
“Chính phủ đã thành lập Tổ công tác với sự tham gia của các bộ, ngành nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương rà soát dự án đang triển khai đủ điều kiện pháp lý, có khó khăn sẽ đôn đốc; các dự án còn vướng pháp lý thì làm rõ nội dung vướng mắc để tháo gỡ, nhất là dự án nhà ở thương mại. Hiện cả nước còn hơn 1.000 dự án vướng các thủ tục pháp lý, khi được tháo gỡ khó khăn, sẽ tạo nguồn cung đáng kể cho thị trường”, ông Nguyễn Văn Sinh nói.
Không gỡ được vấn đề pháp lý, nguồn cung tiếp tục hạn hẹp, thị trường bất động sản trong năm 2023 giá căn hộ có thể tăng nhưng tính thanh khoản lại giảm. Thị trường bất động sản rơi vào khó khăn.
Về bất động sản công nghiệp, các chính sách thu hút FDI cũng thúc đẩy các nhà đầu tư quay trở lại đầu tư vào Việt Nam. Có thể kể đến những chính sách ưu đãi như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 04 năm đầu hoạt động, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 05 năm tiếp theo, và nhiều ưu đãi khác.
Chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định có phần thận trọng hơn khi các yếu tố tích cực đối với bất động sản công nghiệp đang mờ dần. Câu chuyện tăng trưởng đang thiếu dần yếu tố dẫn dắt. Nguyên nhân đầu tiên là từ việc dòng vốn FDI chậm lại (FDI đăng ký mới 9 tháng năm 2022 giảm 15,3% so với cùng kỳ) do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư với kinh tế toàn cầu phục hồi còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất có thể tác động đến dòng vốn FDI vào Việt Nam. Một điều cũng được VNDirect lưu ý là Việt Nam hiện đang tụt lại phía sau trong việc thu hút dòng vốn FDI vào ngành xe điện và công nghiệp bán dẫn.
Việt Nam và Indonesia là 02 nước thu hút nhiều vốn FDI trong khu vực. Nếu như Việt Nam đang chuyển mình thành trung tâm sản xuất thiết bị điện tử thì Indonesia lại hướng đến phát triển chuỗi cung ứng xe điện.
Việc Indonesia ban hành Luật Omnibus trong năm 2020 đã mang đến nhiều cơ hội đầu tư và hoạt động cho các công ty nước ngoài vào quốc gia này. Dòng vốn FDI vào Indonesia tăng 46% so với cùng kỳ lên 31 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm.
Trong khi đó, sự phát triển của ngành xe điện và bán dẫn sẽ định hình bối cảnh đầu tư tại ASEAN. Những sự thay đổi lớn trong 02 ngành này bao gồm thu hút nhiều loại hình nhà đầu tư mới, gia tăng thêm các phân khúc mới trong chuỗi giá trị, mở rộng công suất và tham gia nhiều hơn vào mạng lưới sản xuất khu vực.
Do tiềm năng về thu hút vốn đầu tư FDI của 02 ngành này trong các năm tới tiếp tục tăng cao, các nước trong khu vực đã tích cực đẩy mạnh hút vốn FDI cho sản xuất xe điện, bao gồm cả sản xuất pin, đồng thời khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xe điện.
Công Huy (t/h)