Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Game online nở rộ & “Đồng tiền” trung gian

Để tham gia chơi các trò game trên mạng, hầu hết người chơi phải nạp tiền bằng thẻ điện thoại của 3 nhà mạng lớn là Vinaphone, Mobifone và Viettel, hoặc tin nhắn qua các đầu số dịch vụ… Cũng từ đây, thẻ điện thoại biến thành “đồng tiền” trung gian giữa người chơi và các cổng game trực tuyến.

 

Nhà mạng thu lợi “khủng”

Các trò chơi “game ảo tiền thật” hay cờ bạc “trá hình” (game bài) xuất hiện ngày càng nhiều trên Internet, thu hút đông đảo giới trẻ tham gia. Điều này, không những trái với quy định pháp luật, mà còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật, gây ra những hệ lụy khôn lường cho xã hội.

Điển hình, ngày 25/5/2017, Công an tỉnh Phú Thọ nhận được đơn thư trình báo từ bà Võ Minh Phương (phường Nông Trang, TP. Việt Trì) về việc ngày 16/5/2017, bà Phương bị một đối tượng sử dụng nick facebook để lừa đảo, chiếm đoạt 110 thẻ cào điện thoại trị giá 55 triệu đồng. Đến ngày 26/7/2017, xác minh, bắt giữ đối tượng Lê Văn Huy (SN 1997, ở Quảng Trị) là người lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bà Phương. Huy khai nhận, sau khi chiếm đoạt tài sản của bà Phương, Huy đổi thành tiền ảo của đại lý Lê Anh Dũng (ở TP. Đà Nẵng) để đánh bài trực tuyến qua hình thức game bài Rikvip.

Game online nở rộ & “Đồng tiền” trung gian - Hình 1

Các cổng game online, hoạt động trái phép đang mọc lên như... nấm

Từ vụ lừa đảo trên, Công an Phú Thọ đã bóc gỡ đường dây cờ bạc qua mạng nghìn tỷ núp dưới vỏ bọc game bài liên quan đến cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Nguyễn Thanh Hóa.

Sở dĩ, các cổng game bài trực tuyến tồn tại và câu kéo được nhiều người tham gia đó là nhờ sự “luồn lách” trá hình cá cược cờ bạc bằng đổi thưởng. Để tham gia chơi các trò chơi cờ bạc trên mạng, người chơi phải nạp tiền bằng thẻ điện thoại của 3 nhà mạng lớn là Vinaphone, Mobifone và Viettel, hoặc nạp tiền bằng tin nhắn qua các đầu số dịch vụ (9029; 8798).

Có thể nói, thẻ điện thoại là “đồng tiền” trung gian giữa người chơi và cổng game trực tuyến. Câu hỏi đặt ra: Không có nhà mạng làm trung gian thanh toán, thì cờ bạc trá hình game bài Rikvip có tồn tại được không?

Game online nở rộ & “Đồng tiền” trung gian - Hình 2

Thẻ điện thoại, thẻ game... chính là "đồng tiền trung gian" kết nối giữa người chơi và các cổng game online

Được biết, tất cả các mã thẻ điện thoại khi người chơi nạp vào cổng game bất kỳ đều được chuyển thẳng về các nhà mạng, sau đó, hằng tháng nhà mạng sẽ “cắt” lại phần trăm cho cổng đăng ký thanh toán của các công ty phát triển game, tùy theo thỏa thuận hợp đồng. Nhưng, có nhà mạng “cắt phế” lên tới 60% tổng giá trị thẻ nạp và tin nhắn về đầu số dịch vụ; công ty phát triển, thanh toán cho game chỉ được nhận 40%.

Đáng chú ý, khi đăng nhập tài khoản vào cổng game Rikvip, hệ thống game này sẽ hướng dẫn người chơi cách nạp thẻ, nhắn tin theo cú pháp với số tiền tương ứng nhu cầu sử dụng. Bên cạnh đó, hệ thống game cũng đưa ra cảnh báo “do nhà mạng thu 55% trị giá tin nhắn nên giá trị VIP nhận được sẽ là 45% giá trị tin nhắn”…

Biến thẻ "cào" thành công cụ thanh toán là trái luật

Theo LS. Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm nhận định, việc cho người chơi nạp tiền thông qua các thẻ “cào” điện thoại là một thủ đoạn. Điều này đặt ra nhiều vấn đề cần bàn luận, đánh giá về chức năng của thẻ “cào” điện thoại. 

“Việc biến thẻ "cào" thành công cụ thanh toán là trái luật. Con bạc đã nạp tiền bằng các thẻ “cào” điện thoại cho các cổng game. Các cổng game này sẽ trích lại một tỷ lệ cho nhà mạng để được chuyển từ thẻ “cào” điện thoại thành tiền. Như vậy, có thể hiểu rằng, nhà mạng vừa thu lợi từ việc bán thẻ “cào” điện thoại cho người dân vừa thu lợi từ tiền chênh lệch khi mua lại những thẻ “cào” từ các cổng game. Khoản thu này “vênh” với các quy định pháp luật hiện nay”, LS. Tú phân tích.

Theo quy định của Luật Viễn thông hiện nay, thẻ “cào” điện thoại là thẻ thanh toán dịch vụ viễn thông, đây được xem là “hàng hóa viễn thông”. Thẻ “cào” điện thoại này chỉ được sử dụng gắn liền với việc cung cấp dịch vụ viễn thông, do đó việc sử dụng các thẻ điện thoại này để thanh toán trực tuyến cho các ứng dụng, các trò chơi game là hành vi chưa được bất kỳ văn bản pháp luật nào quy định.

Game online nở rộ & “Đồng tiền” trung gian - Hình 3

LS. Trương Anh Tú (Ảnh: Lao Động)

Có thể thấy rằng, thẻ “cào” điện thoại được sử dụng để thanh toán cho các ứng dụng, các trò game thì có nghĩa thẻ “cào” được xem là một hình thức tiền tệ.  

Trong khi đó Điều 17 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) đã quy định rất cụ thể về đồng tiền Việt Nam. Theo đó, NHNN là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tiền giấy, tiền kim loại do NHNN phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước  ta. Như vậy, chỉ có đồng tiền do NHNN phát hành mới là phương tiện thanh toán hợp pháp. Do đó, dùng thẻ “cào” điện thoại để thanh toán cho bất cứ hoạt động nào cũng đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Thẻ “cào” điện thoại chưa bao giờ được pháp luật Việt Nam quy định về chức năng trao đổi hàng hóa, dịch vụ. Việc biến thẻ "cào" trở thành phương tiện thanh toán là sự bất hợp pháp, gây ra những hệ quả pháp lý nghiêm trọng.

Những hệ quả pháp lý nhãn tiền có thể nhìn thấy ngay được đó là hàng loạt các vụ việc sử dụng thẻ “cào” điện thoại để đánh bạc online, chơi game online, vi phạm quy định của Bộ luật Hình sự. Tiếp đó là những chiêu thức lừa đảo người tiêu dùng thông qua việc nạp thẻ “cào” điện thoại…

Theo LS. Tú, những khoản tiền thu lợi bất hợp pháp này tuy nhỏ nhưng lại trên diện rộng, với sự tham gia của rất đông người do đó để lại hậu quả không hề nhỏ. Vì thế, đã đến lúc, cần phải có quy định cụ thể về thẻ “cào” điện thoại để xem xét đối với các hành vi sử dụng mặt hàng này trong việc thanh toán cho các dịch vụ khác nhằm đảm bảo cho các hoạt động viễn thông và các hoạt động khác liên quan.

Lỗ hổng trong quản lý

Liên quan đến vụ đánh bạc nghìn tỷ qua mạng đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, Bộ Công an đã chỉ ra "lỗ hổng lớn trong quản lý thẻ cào điện thoại, thẻ game" của các doanh nghiệp viễn thông.

Theo Bộ Công an, với nhiều thủ đoạn tinh vi, đường dây đánh bạc nói trên đã thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng. Vụ việc này cho thấy, công tác quản lý thẻ cào viễn thông, thẻ game, hoạt động trung gian thanh toán còn nhiều lỗ hổng, tạo điều kiện cho tội phạm hoạt động trên quy mô lớn.

Qua điều tra cho thấy, hoạt động tổ chức đánh bạc qua game bài trên mạng khó có thể thực hiện được với quy mô lớn như Rikvip, Tip.club nếu không có các cổng trung gian thanh toán và các loại thẻ cào điện thoại, thẻ game.

Game online nở rộ & “Đồng tiền” trung gian - Hình 4

Theo cơ quan điều tra, trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ, tiền chơi bạc từ thẻ cào chiếm tới 97% tổng lượng tiền chơi bạc qua các cổng trung gian thanh toán

Cụ thể, tiền chơi bạc từ thẻ cào chiếm tới 97% tổng lượng tiền chơi bạc qua các cổng trung gian thanh toán, trong đó, các doanh nghiệp viễn thông được hưởng từ 15,5 - 16,3%. Thông báo ban đầu của Bộ Công an, 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone và Mobifone đã hưởng lợi tới 1.400 tỷ đồng từ đường dây đánh bạc nghìn tỷ này (?!).

Các cổng trung gian thanh toán đã đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến, nhưng việc quản lý còn rất lỏng lẻo, khiến các doanh nghiệp trung gian thanh toán như VNPT EPAY, Ngân Lượng, Home Direct, Giải trí số... dễ dàng cung cấp dịch vụ cho game bài Rikvip/Tip.club để con bạc tham gia đánh trong thời gian dài. Ở chiều ngược lại, đường dây đánh bạc nghìn tỷ cũng trả thưởng cho các "con bạc" bằng thẻ cào điện thoại hoặc quy đổi ra tiền mặt.

Tuy nhiên, hoạt động này không được Ngân hàng Nhà nước coi là hoạt động trung gian thanh toán để quản lý, trong khi Bộ Thông tin và Truyền thông không quản lý hoạt động thanh toán bằng thẻ cào.

Cụ thể, việc quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ cho thuê máy chủ, cho thuê chỗ đặt máy chủ, tên miền, đầu số còn nhiều bất cập dẫn đến việc các đối tượng tổ chức đánh bạc dễ dàng được cung cấp dịch vụ thuê chỗ đặt máy chủ, đường truyền Internet, IP, tên miền, kể cả tên miền quốc gia từ các doanh nghiệp trong nước để “chăm sóc khách hàng” và sử dụng dịch vụ nhắn tin thương hiệu để quảng bá RikVip/Tip.Club qua tin nhắn.

Nhận thấy những bất cập nêu trên trong quá trình phá án, Bộ Công an đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, đồng thời, đưa nhiều nội dung nhằm khắc phục những sơ hở, hạn chế này trong Dự thảo Luật An ninh mạng, dự kiến được trình Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp thứ 5 sắp tới.

Tuấn Ngọc

Bài liên quan

Tin mới

Hàng loạt điểm nhấn hứa hẹn mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm mùa hè tại Sầm Sơn
Hàng loạt điểm nhấn hứa hẹn mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm mùa hè tại Sầm Sơn

Chiều 16/4, UBND TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa tổ chức gặp mặt báo chí để cung cấp thông tin về hoạt động du lịch biển năm 2024. Theo đó, với hàng chục hoạt động chào mừng trước, trong và sau Lễ hội du lịch biển sẽ góp phần nối dài hành trình trải nghiệm của mỗi du khách khi đến nơi đây.

Khai mạc trưng bày ảnh nghệ thuật, mỹ thuật “Hải Phòng – Kết nối miền di sản”
Khai mạc trưng bày ảnh nghệ thuật, mỹ thuật “Hải Phòng – Kết nối miền di sản”

Ngày 16/4, Trung tâm Văn hóa TP. Hải Phòng tổ chức Khai mạc trưng bày ảnh nghệ thuật, mỹ thuật với chủ đề “Hải Phòng – Kết nối miền di sản” hưởng ứng Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024.

Lãnh đạo TP. Hải Phòng thăm, tặng quà các cá nhân, gia đình người có công tại huyện An Lão
Lãnh đạo TP. Hải Phòng thăm, tặng quà các cá nhân, gia đình người có công tại huyện An Lão

Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 16/4, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Lê Khắc Nam đến thăm, tặng quà các cá nhân, gia đình người có công tại huyện An Lão. Cùng đi có đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương liên quan.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tri ân những người làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tri ân những người làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dâng hương tại Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ; gặp mặt, tặng quà tri ân gia đình các chiến sĩ Điện Biên, gia đình chính sách tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Giải Bóng đá Nhi đồng (U11) toàn quốc 2024 công bố nhà tài trợ
Giải Bóng đá Nhi đồng (U11) toàn quốc 2024 công bố nhà tài trợ

Sáng nay, tại Hà Nội, Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng (TNTP&NĐ), Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phối hợp cùng nhãn hàng Nestlé MILO đã tổ chức Lễ Họp báo Công bố Nhà tài trợ Giải Bóng đá Nhi đồng (U11) Toàn quốc Cúp Nestlé MILO 2024.

Lạng Sơn: Họp phiên chất vấn về thực hiện quy định của pháp luật đối với công tác giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật
Lạng Sơn: Họp phiên chất vấn về thực hiện quy định của pháp luật đối với công tác giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật

Ngày 16/4, Thường trực HĐND tỉnh Lạng Sơn tổ chức họp phiên chất vấn về thực hiện quy định của pháp luật đối với công tác giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thị Hậu chủ trì phiên họp.