THCL Thông tin từ Cục Quản lý dược Hoa Kỳ (FDA) được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dẫn lại cho thấy, tính từ năm 2012 đến tháng 8/2016, có 16 DN xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường này bị trả về với tổng số 412 container (tương ứng gần 10.000 tấn gạo).
Cần kiểm tra chất lượng gạo thật kỹ trước khi XK sang Mỹ
Mới đây, đại diện Cục Chế biến Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) đã cảnh báo các DN xuất khẩu gạo cần kiểm tra chất lượng kỹ trước khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ do hàng loạt lô gạo Việt bị trả về.
Ước tính, có khoảng 10.000 tấn gạo của 16 DN Việt Nam đã bị phía Mỹ trả về trong vòng 4 năm qua. Lý do: gạo bị tồn dư các chất acetamiprid, chlopyripos, hexaconazoe... có trong các loại thuốc bảo vệ thực vật để trị các loại bệnh trên cây lúa như đạo ôn, sâu đục thân, rầy nâu,... Trong khi đó, theo VFA, 6 tháng đầu năm 2016, đã có hơn 500 container gạo thơm của Việt Nam bị đối tác trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
VFA cũng cho biết, những năm vừa qua, đặc biệt là năm 2016, rất nhiều đơn hàng xuất khẩu gạo thơm của các DN xuất khẩu gạo có tiếng đã bị trả về vì dính dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phải bán trong nội địa.
Mỹ là thị trường gạo tiềm năng của Việt Nam, nhưng yêu cầu chất lượng cao, có nhiều rào cản kỹ thuật. Do đó, đã có nhiều lô hàng gạo xuất khẩu sang Mỹ bị trả về do nhiễm các dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và vi phạm các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm của nước này. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 8 tháng năm 2016, lượng xuất khẩu gạo cả nước là 3,37 triệu tấn, giảm 16,6%, đạt giá trị 1,51 tỷ USD, giảm 13% so cùng kỳ năm trước.
Không chỉ bị đối tác nước ngoài trả về mà chính tại thị trường nội địa, gạo Việt cũng bị người tiêu dùng quay lưng. Theo bà Lê Thị Tú Anh (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp GAP), trong nước, gạo Việt cũng không có chỗ đứng. Nhiều người đã mua gạo Thái Lan, Campuchia về ăn thay vì dùng gạo trong nước sản xuất.
Có người bày tỏ sự bất an bởi gạo xuất khẩu đã trải qua một loạt quy trình kiểm soát về chất lượng mới xuất khẩu, vậy, các loại gạo bán tại thị trường trong nước liệu có an toàn?
Liên quan đến vấn đề trên, chuyên gia nông nghiệp, GS. TS. Võ Tòng Xuân thừa nhận, trong quá trình gieo trồng, nông dân thường lạm dụng phân bón khiến sâu bệnh nhiều. Sâu bệnh nhiều thì việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật lại tràn lan làm cho chất lượng lúa gạo càng khó kiểm soát; Khi xuất khẩu bị các thị trường trả về, nếu không thể xuất sang thị trường khác thì bằng nhiều cách sẽ tuồn vào tiêu thụ nội địa. "Các DN không bao giờ chấp nhận "mất cả chì lẫn chài" nên bằng mọi cách sẽ đưa gạo quay trở lại trong nước và bán tại thị trường nội địa", TS. cho hay.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Nguyễn Như Tiệp, những sản phẩm xuất khẩu bị trả về, sẽ có cơ chế để xử lý. Cụ thể, những lô hàng đó sẽ được kiểm định lại, nếu dư lượng chất kháng sinh hay hóa chất khác vượt mức cho phép, phải tiêu hủy, không vượt ngưỡng thì DN có thể sử dụng vào những mục đích khác nhau.
Ngọc Linh