THCL Vượt qua nhiều khó khăn, những tháng đầu năm 2016, xuất khẩu (XK) gạo vẫn có tăng trưởng đáng ghi nhận. Nhiều giải pháp được đề ra nhằm tiếp tục “trợ lực” cho mặt hàng xuất khẩu quan trọng này.
Gạo Việt Nam có cơ hội tăng xuất khẩu trong những tháng cuối năm
Theo Bộ Công Thương, sau 5 tháng, XK gạo đã đạt 2,5 triệu tấn, kim ngạch đạt 1,13 tỷ USD, tăng 4,3% về lượng và 8,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2015.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam (chiếm khoảng 36%), tiếp đến là Indonesia (16%). Gạo Việt Nam cũng được nhiều thị trường mới đón nhận như Ghana tăng gần 13%, Đài Loan tăng hơn 64%, Bờ Biển Ngà tăng gần 66%, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tăng 11%...
Bà Phan Thị Diệu Hà - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho hay, vừa qua, thông tin Thái Lan xả kho bán 11,4 triệu tấn gạo đã gây nên lo ngại rằng XK gạo Việt Nam sẽ gặp khó. Tuy nhiên, sau khi theo dõi tình hình, Bộ Công Thương thấy rằng, giá lúa gạo trong nước sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi thông tin này.
Bà Hà phân tích, thực tế, từ năm 2014 đến nay, Thái Lan đã xả kho và chỉ bán được 5,4 triệu tấn gạo cho các nhà kinh doanh trong nước mua để phục vụ nhiều mục đích chứ không phải XK toàn bộ. Sau lời tuyên bố xả 11,4 triệu tấn gạo chỉ trong 2 tháng (tháng 5- 6/2016), trong tháng 5, Thái Lan cũng chỉ bán được 1,1 triệu tấn. Gạo Thái Lan tồn kho đã lâu, chất lượng kém, nên không được các nhà nhập khẩu quan tâm. Trong khi đó, gạo Việt Nam mới thu hoạch, chất lượng tốt nên được nhà nhập khẩu ưa chuộng hơn. Gạo Việt vẫn được tiêu thụ tương đối tốt và thông tin Thái Lan xả kho gạo không ảnh hưởng nhiều đến XK gạo Việt Nam.
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp XK gạo, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 07/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, từ 1/6/2016, nhóm khách hàng vay ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa XK qua cửa khẩu biên giới Việt Nam và có đủ ngoại tệ từ nguồn thu XK để trả nợ vay, sẽ tiếp tục được vay ngoại tệ đến hết tháng 12/2016.
Quyết định nới thời gian cho doanh nghiệp vay ngoại tệ được đánh giá là động thái rất kịp thời, vì sau 2 tháng dừng cho vay ngoại tệ, nhiều doanh nghiệp XK gạo gặp khó khăn khi phải vay vốn bằng tiền đồng với lãi suất cao gấp đôi so với vay bằng USD, trong khi giá lúa gạo trong nước không ngừng tăng cao.
Xuất khẩu gạo có những tín hiệu khả quan
Nhằm có những giải pháp mạnh hơn cho XK gạo từ nay đến cuối năm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến chỉ đạo: Giao Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng chiến lược XK gạo của Việt Nam và đánh giá việc thực hiện Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh XK gạo. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cụ thể về tác động ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn đến sản xuất lúa gạo; thường xuyên rà soát, cập nhật khả năng cân đối nguồn cung thóc, gạo hàng hóa để kịp thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong điều hành XK gạo, bảo đảm an ninh lương thực trong nước và hoạt động XK gạo.
Theo Báo Công Thương