Thực phẩm 3 - 0
Mặc dù công tác tuyên truyền, kiểm tra kiểm soát đã được đẩy mạnh nhưng qua khảo sát, tại một số chợ trên địa bàn tình Đồng Nai vẫn có nhiều loại thực phẩm như: mứt, bánh kẹo, dưa muối, lạp xưởng, giò chả, rượu… “3 không” (không nguồn gốc, không nhãn mác, không hạn sử dụng) được bán tràn lan.
Loại thực phẩm mang tên 'nhà làm' này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vì không ai có thể kiểm tra nguồn gốc xuất xứ
Hiện nay, tại các chợ, đại lý, điểm bán lẻ… nhu cầu mua sắm hàng hóa thực phẩm dịp tết bắt đầu tăng. Khảo sát tại các chợ hạng 1, 2, 3 trên địa bàn tỉnh cho thấy, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được bán rất phổ biến. Phía các cơ quan chức năng cũng không thể kiểm soát hết các mặt hàng thực phẩm tết tại các chợ. Theo tìm hiểu, hàng không có nguồn gốc, không thời hạn sử dụng, không kiểm soát chất lượng được sản xuất tại các cơ sở nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc nhập lậu từ nước ngoài.
Các đối tượng thường lợi dụng tình hình thị trường gần tết phức tạp, nhu cầu mua hàng hóa lớn để đưa hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng ra thị trường”.
Trong thời gian qua, đoàn kiểm tra liên ngành của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tỉnh phối hợp với địa phương tổ chức kiểm tra các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 tại 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện nhiều cửa hàng, điểm bán hàng có các vi phạm như: hàng hóa chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ, thực phẩm quá hạn sử dụng, một số bánh kẹo có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các vi phạm: không nhãn mác, không nguồn gốc, không hạn sử dụng... Lực lượng chức năng đã tiến hành xử lý các hàng hóa vi phạm theo quy định.
Ảnh minh họa
Khi kiểm tra một cơ sở chuyên cung cấp bánh kẹo nằm sâu trong một hẻm nhỏ ở đường Ngô Quyền (thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc), đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh đã phát hiện nhiều sai phạm như: đóng gói gia công không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, một số sản phẩm có dấu hiệu làm giả, nhái thương hiệu. Ông Nguyễn Hoàng Hòa, chủ cơ sở trên cho hay: “Cơ sở mới kinh doanh được hơn 2 năm, chủ yếu là khách đặt hàng mới lấy về giao chứ không trữ hàng trước. Những sản phẩm này chỉ bán theo thời vụ, chủ yếu để bỏ vào các giỏ quà tết“.
Tương tự, khi kiểm tra các địa điểm bán hàng ở chợ Biên Hòa (TP.Biên Hòa), đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh cũng phát hiện nhiều địa điểm kinh doanh thực phẩm, bánh kẹo, mứt tết vi phạm về niêm yết giá, hàng hóa không có nhãn mác, hàng hết hạn sử dụng, các sản phẩm rượu không xuất được hóa đơn chứng từ...
Ông Phạm Văn Dương, đại diện cơ sở giò chả Y.N trên đường Phan Chu Trinh (TP.Biên Hòa) cho hay: “Tôi đã kinh doanh mặt hàng giò chả được hơn 10 năm, các sản phẩm đều được lấy từ mối quen, còn các loại dưa muối tết là những sản phẩm nhà làm nên không có bao bì nhãn mác“. Ngoài ra, tại cơ sở này còn bán những loại nước tương, nước mắm quá hạn sử dụng và khi được hỏi chủ cơ sở trả lời là do sơ suất nên “quên” loại bỏ khỏi gian hàng.
Trong khi đó, ông Lê Hữu Phùng, chủ một sạp bánh kẹo ở chợ Biên Hòa cho biết các sản phẩm bánh kẹo, mứt tết phục vụ tết ở đây hầu hết được lấy hàng từ chợ Bình Tây (TP.Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, ông Phùng chỉ cung cấp hóa đơn chứng từ một số loại mứt me, mứt bí, trong khi đó các sản phẩm bánh kẹo nhập khẩu lại không có đầy đủ nhãn mác, thông tin tiếng Việt cho người tiêu dùng. Một số loại rượu bày bán cũng không có hóa đơn chứng từ. Lý giải về việc này, ông Phùng cho hay: “Tôi bán lẻ 1-2 thùng, khi nào hết hàng thì gọi điện cho mối mang lại bán nên cũng không có hóa đơn, chứng từ gì cả”.
Khảo sát tại chợ khác của TP.Biên Hòa, TX.Long Khánh và các huyện cũng phát hiện không ít loại thực phẩm cho tết không có nguồn gốc xuất xứ và chất lượng chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Loại nào cũng không bảo đảm an toàn
Việc sử dụng tràn lan chất cấm trong chăn nuôi tại một số địa phương như TP HCM, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Nghệ An... thời gian qua đã khiến người dân bức xúc. Với thực phẩm chế biến, nhiều cơ sở không đầu tư điều kiện sản xuất để bảo đảm ATTP, mua nguyên liệu trôi nổi và lạm dụng phụ gia, hóa chất không rõ nguồn gốc để hạ giá thành.
Cục Quản lý thị trường Đồng Nai phát hiện heo không rõ nguồn gốc bốc mùi hôi thối chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. Ảnh: H.GIANG
Một các bộ quản lý thị trường từng thừa nhận có không ít nguy cơ mất an toàn thực phẩm khi hiện nay có đến 85% cơ sở chế biến, sản xuất là vừa và nhỏ. Nhiều cơ sở tuy đã được cơ quan quản lý cấp chứng nhận an toàn nhưng trong quá trình kinh doanh không thực hiện nghiêm túc, lợi dụng chứng nhận này để cho ra lò thực phẩm bẩn. Hoặc có cơ sở được cấp chứng nhận rau an toàn nhưng khi bán lại trộn lẫn rau không rõ nguồn gốc.
Nếu không có sự tự giác của người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thì cơ quan quản lý rất khó giám sát. Một cơ sở có thể sản xuất suốt ngày đêm, cơ quan chức năng không thể trông chừng 24/24 giờ.
Để phần nào đề phòng thực phẩm bẩn, cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng phải kiên quyết không tiêu thụ sản phẩm không rõ xuất xứ. Điều này vừa là quyền vừa là trách nhiệm của người tiêu dùng: Sử dụng sản phẩm đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và tố giác, đấu tranh với hành vi vi phạm.
Hiện nay các văn bản và chế tài xử lý các sai phạm trong lĩnh vực ATTP khá đầy đủ. Cái khó chính là ý thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Câu chuyện nông dân trồng 2 luống rau, một luống để ăn và một luống để bán đã minh họa rất rõ vấn đề này.
Tiến Minh