Vụ Chiêm Xuân vừa qua, nhiều hộ dân ở một loạt các xã Tân Sơn, Lai Đồng, Kiệt Sơn, Thạch Kiệt, Đồng Sơn, Thu Cúc thuộc huyện Tân Sơn, Phú Thọ đã nghe những lời quảng cáo trên mạng xã hội đã mua giống lúa VST- 899 về gieo cấy.
Được quảng cáo là giống lúa ngắn ngày, cho năng suất cao, chất lượng gạo thơm ngon nên nhiều hộ dân đã nhẹ dạ, chủ quan mua về gieo cấy. Tổng diện tích gieo cấy lúa VST- 899 này lên tới 22 ha. Tuy nhiên, sau khi cấy đa số diện tích lúa trên không trổ bông, hoặc trổ nhưng cho ra những bông lúa ngắn, hạt lúa lép không có nhân.
Ông Nguyễn Đức Lê, Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường, Tổng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết: "Giờ phát triển thương mại điện tử nên bà con có thể mua bán trên mạng qua những lời quảng cáo. Các đối tượng đã lợi dụng điều này để buôn bán các loại hàng kém chất lượng, giả mạo, nhái thương hiệu. Chỉ đến khi có kết quả, hậu quả thực tế thì mới rõ".
Theo thống kê của 6 xã thuộc huyện Tân Sơn, Phú Thọ thì riêng vụ việc giống lúa kém chất lượng này đã gây bị thiệt hại là 338 hộ, trong đó có 34 hộ nghèo. Giá mà các hộ dân đã mua phải giống lúa giả này là từ 75.000 – 80.000 đồng/kg.
Lúa giống giả, kém chất lượng cũng đã và đang xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành, nhất là ở vùng sâu, xa. Trong khi nhu cầu rất lớn, chỉ tính riêng tại Đồng bằng Sông Cửu Long, với tổng diện tích gieo trồng lúa lên đến 4 triệu ha, nhu cầu về giống lúa cần đạt khoảng 1 triệu ha/năm. Nhưng theo thống kê sơ bộ vẫn còn trên 25% nông dân sử dụng giống "không cấp", tức không rõ nguồn gốc, chất lượng.
Hệ lụy của việc sử dụng giống lúa kém chất lượng sẽ dẫn đến tình trạng thoái hóa giống, phát sinh nhiều dịch bệnh, tăng chi phí sản xuất. Chất lượng đầu vào kém thì tất nhiên đầu ra không thể tốt.
Không chỉ giống lúa giả, kém chất lượng mà gạo giả, gạo kém chất lượng cũng đang được trà trộn với các thương hiệu gạo uy tín để tiêu thụ. Mới đây, nhiều cơ sở kinh doanh gạo tại Hà Nội đã bị lực lượng quản lý thị trường phát hiện làm giả nhãn hiệu Gạo ST25 ông Cua.
Các cơ sở này đã nhập gạo rẻ từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó đóng bao bì và dán tem nhãn giống như hàng thật, khiến người tiêu dùng khó phân biệt thật - giả.
Người tiêu dùng hiện nay đang rơi vào tình cảnh "ma trận" gạo ST25. Không chỉ bị làm giả, làm nhái, thậm chí gạo ST25 không rõ nguồn gốc cũng đang tràn lan trên thị trường.
Tại nhiều cửa hàng bán gạo ST25 ở Hà Nội, Gạo ông Cua được thay bằng chữ Gạo ông Vua. Bao bì quảng cáo là gạo ngon nhất thế giới. Nhưng nguồn gốc sản xuất, xuất xứ ở đâu thì không tìm thấy trên bao bì.
Theo giải thích của người bán hàng, Gạo ông Vua là phiên bản mới, phát triển từ Gạo ông Cua. "Người ta mua giống của ông Cua người ta cấy, còn ông Cua xịn thì không có đâu", người bán hàng nói.
Mới đây, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất 6 cơ sở kinh doanh gạo trên địa bàn và phát hiện một số cơ sở đã làm giả gạo ST25 ông Cua. Ví dụ tại một cơ sở sản xuất gạo, mỗi ngày đều xuất bán từ 5 - 10 tấn gạo ST25 giả ra thị trường.
Chủ cơ sở đã nhập các loại gạo rẻ từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó đóng vào bao bì và dán tem nhãn giống y như hàng thật.
Theo ông Nguyễn Đức Nguyên, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội: "Gạo đóng gói vào bao và hàn lại miệng, nếu như người tiêu dùng không để ý kỹ thì cũng khó phát hiện".
Dù là nhái, giả thương hiệu, nhưng hiện nhiều cơ sở kinh doanh gạo, sau khi làm giả gạo ST25 thì đã nâng giá bán lên gấp đôi bằng với hàng thật, khiến cho người tiêu dùng, vừa mua phải hàng giả mà vẫn phải trả giá cao.
Rõ ràng tình trạng giống lúa giả, kém chất lượng và gạo giả, gạo nhái thương hiệu đã gây nên những hệ lụy dây chuyền từ người nông dân thì điêu đứng vì mất mùa, doanh nghiệp thì "vật lộn" để bảo vệ thương hiệu. Còn người tiêu dùng như rơi vào mê cung, bị nhầm lẫn bởi những cái tên na ná đặt cạnh nhau hay và đã tạo ra môi trường kinh doanh không lành mạnh.
Do đó, cần nâng cao khả năng quản lý, kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu trên thị trường. Có như vậy, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả hàng nhái mới được đẩy lùi, ngăn chặn.
Thu Trang (t/h)