THCL Gần đây, nhiều lô hàng gạo của DN Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị trả về do dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt mức giới hạn cho phép theo quy định của nước nhập khẩu. Bộ NN&PTNT đã phát đi cảnh báo các doanh nghiệp cần hạn chế xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ.
8 hoạt chất vượt mức cho phép
Mới đây, Bộ NN&PTNT cho biết qua kiểm tra của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), có 8 hoạt chất trong gạo Việt Nam khi xuất sang Mỹ vượt mức giới hạn cho phép. Cả 8 hoạt chất này đều có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam.
Hiện nay, Bộ NN&PTNN đã cử đoàn công tác sang Mỹ giải quyết các vấn đề liên quan đến các lô hàng bị trả về. Sự việc cho thấy phần nào lỗ hổng trong việc xuất khẩu gạo sang Mỹ, đặt ra yêu cầu bức thiết trong việc đồng bộ hoá, thống nhất danh mục thuốc bảo vệ thực vật cho phép sử dụng giữa hai nước, để tránh xảy ra tình trạng hàng xuất đi bị trả về.
Theo FDA, tính từ năm 2012 đến tháng 8/2016, có tổng số 16 doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường này bị trả gạo về, với tổng số 412 container, tương ứng gần 10.000 tấn gạo.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, đơn vị chuyên xuất khẩu gạo vào Mỹ, Nhật, Pháp phân tích: “Việc một số đơn vị vi phạm chất lượng gây ảnh hưởng đến uy tín chung của gạo Việt Nam trên thị trường Mỹ và thế giới. Nếu các DN vi phạm không khắc phục thì nguy cơ bị cấm cửa xuất khẩu gạo, mất luôn thị trường và làm vạ lây cả những DN làm tốt”.
Ông Bình cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng gạo Việt bị trả lại. Thứ nhất do nông dân trồng, bón phân và phun thuốc trừ sâu quá mức cho phép. Thứ hai là do một số doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng theo tiêu chuẩn sản xuất gạo sạch như thực hành nông nghiệp tốt Việt Nam (VietGAP), GlobalG.A.P.
Ngoài ra, nhiều năm nay gạo Việt xuất khẩu chủ yếu vào các thị trường dễ dãi về chất lượng như Trung Quốc, châu Phi… với số lượng lớn. Điều này khiến nông dân, DN chạy theo số lượng chứ không chú ý nhiều đến chất lượng gạo.
“Các nước như Mỹ, Nhật, châu Âu đòi hỏi rất cao về chất lượng gạo. Thậm chí họ cấm nhập gạo có chứa hoạt chất thuốc BVTV. Hơn nữa, các nước này mua gạo với giá cao nhưng số lượng không lớn nên DN Việt không quan tâm nhiều đến chuyện chất lượng”, ông Bình nhận xét.
Phân tích thêm về nguyên nhân gạo Việt dính dư lượng thuốc BVTV, đại diện một công ty thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng nguyên nhân đầu tiên là do trồng lúa manh mún, nhỏ lẻ. Thêm nữa do tình trạng tăng vụ liên tục dẫn đến dịch bệnh gia tăng. Dịch bệnh gia tăng buộc nông dân phải dùng nhiều thuốc để trị sâu bệnh, trong khi lại không được hướng dẫn, quản lý chặt chẽ.
Cần nâng cao chất lượng gạo
GS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp đánh giá Mỹ, Nhật, châu Âu, đều tiêu thụ gạo sạch. Sạch không chỉ về hóa chất mà còn phải có chất lượng thơm, ngon, độ dẻo và hạt gạo phải đẹp đồng đều. Gạo Thái, Campuchia, Myanmar đã đạt được những tiêu chuẩn này.
GS. Xuân nhấn mạnh: “Các nước này làm được vì họ không nên chú trọng chạy theo sản lượng. Họ trồng lúa một vụ trong một năm, thời gian canh tác dài nhưng hiệu quả thu được là ít sử dụng thuốc, ít phân bón và giá gạo cao. Đặc biệt là hạt gạo thơm, dẻo hơn và sạch. Việt Nam phải học họ”.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, nhận định: “Hiện chỉ có khoảng một chục công ty Việt có gạo đủ chuẩn xuất khẩu sang Mỹ. Đó là những công ty tự trồng, quản lý được quá trình sản xuất, chế biến… nên gạo không có tồn dư chất BVTV”.
Giải pháp mà ông Đôn đưa ra để có gạo sạch là làm theo mô hình hợp tác xã kiểu mới ở một số tỉnh, thành ĐBSCL. Cụ thể hợp tác xã thuê lại ruộng của nông dân để làm cánh đồng mẫu lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, kiểm soát được giống, sử dụng phân bón và thuốc BVTV.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty THHH Trung An cho rằng các DN cần liên kết với nông dân xây dựng được vùng nguyên liệu và trồng theo nhu cầu, tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.Để đạt các tiêu chuẩn này, chúng ta phải mời chuyên gia từ Nhật, đối tác từ Mỹ sang Việt Nam tư vấn hoặc hướng dẫn cách làm.
Bộ NN&PTNT lưu ý DN trước khi xuất khẩu gạo phải kiểm tra, giám định kỹ dư lượng thuốc BVTV trong các lô hàng, tránh để bị nước nhập khẩu trả về. Trường hợp tái phạm nhiều lần sẽ bị cấm xuất khẩu.
Hoan Nguyễn