Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết hết ngày 15/8/2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 5,35 triệu tấn gạo với kim ngạch đạt 2,88 tỷ USD, tăng mạnh 22% về lượng và tăng 35% về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, Philippines tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam (chiếm gần 40% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước trong 7 tháng đầunăm 2023).
Đáng chú ý, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc - thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai đã tăng mạnh hơn 60% so với giai đoạn 7 tháng đầu năm 2022. Đồng thời, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang một loạt thị trường ghi nhận mức tăng “đột biến”, như Indonesia (tăng 15 lần), Senegal (tăng 7,8 lần), Thổ Nhĩ Kỳ (tăng 64,8 lần)…
Còn theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến cuối tuần này, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục cao hơn đáng kể so với gạo Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan, chạm mức cao nhất thế giới. Cụ thể, giá gạo xuất khẩu 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam lần lượt đạt 638 USD/tấn và 623 USD/tấn. Đây cũng là những mức giá cao nhất kể từ cơn sốt giá gạo lịch sử vào năm 2008 đến nay.
Tính từ đầu năm đến nay, giá gạo trên thế giới đã tăng 20% trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu lương thực toàn cầu tăng vọt nhưng nguồn cung suy giảm, nhất là khi Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - ngưng xuất khẩu gạo tẻ (chiếm 80% tổng lượng gạo xuất khẩu hàng năm của nước này).
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam nói riêng và của các nước khác nói chung được nhận định sẽ còn tiếp tục tăng cao hoặc neo ở mức cao kỷ lục khi Ấn Độ vừa quyết định áp thuế 20% đối với gạo đồ xuất khẩu. Đồng thời, thị trường xuất hiện một số đồn đoán về việc Myanmar cũng có thể sẽ tạm thời cấm xuất khẩu gạo.
Đánh giá mới nhất của KIS Vietnam Securities cho thấy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong quý III này, trong bối cảnh Nga đã rút khỏi thoả thuận ngũ cốc Sáng kiến Biển Đen, khiến nguồn cung ngũ cốc và phân bón trên toàn cầu trở nên căng thẳng hơn. Sáng kiến Biển Đen vốn cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của nước này qua khu vực Biển Đen - con đường giao thương quan trọng nhất trong khu vực.
Bên cạnh đó, hiện tượng El Nino đã bắt đầu xuất hiện và có thể kéo dài từ 2 - 3 năm, gây ra nguy cơ hạn hán tại một số khu vực trồng lúa trọng điểm ở Đông Nam Á, kéo theo suy giảm nguồn cung gạo ra thị trường.
Vietcombank Securities (VCBS) dự báo tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ còn tích cực trong thời gian tới trong bối cảnh nguồn cung không tăng nhưng nhu cầu thế giới tiếp tục tăng. Tác động tiêu cực của hiện tượng El Nino đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, sẽ thúc đẩy các quốc gia tăng cường nhập khẩu lương thực trong thời gian tới.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện yêu cầu Bộ trưởng các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Ngoại giao và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng nhiệm vụ được giao, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo:
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ triển khai xây dựng vùng nguyên liệu, tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc, gạo; nâng cao năng lực tổ chức của các hợp tác xã, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo;
Đẩy mạnh đàm phán song phương, đa phương để ký kết các hiệp định, thỏa thuận về sự phù hợp, công nhận lẫn nhau về kiểm dịch, chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm với các thị trường trọng điểm nhằm tận dụng cơ hội mở cửa thị trường, chiếm lĩnh thị trường.
Minh An(T/h)