Theo một thành viên HĐQT của Ngân hàng Eximbank (HOSE: EIB) cho biết, đến thời điểm này, Ngân hàng Eximbank vẫn chưa có Tổng giám đốc. Việc không có Tổng giám đốc đã diễn ra trong nhiều năm nay.
Ở thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Cảnh Vinh, vẫn giữ chức Quyền Tổng giám đốc của Eximbank.
Vào tháng 4/2018, ông Vinh được bổ nhiệm về làm Phó Tổng giám đốc thường trực Eximbank. Tháng 5/2019, ông Vinh được bổ nhiệm quyền Tổng giám đốc Eximbank.
Trước khi về Eximbank, ông Nguyễn Cảnh Vinh là Tổng giám đốc của Ngân hàng SeABank. Tuy nhiên, chỉ sau gần 5 tháng ngồi ghế "nóng" tại SeABank, ông Vinh đã từ nhiệm.
Ngân hàng Eximbank hiện vẫn chưa có tổng giám đốc sau cuộc chiến giành quyền lực. Nhiều biến cố lớn đã ập đến với ngân hàng này suốt thời gian qua.
Ông Vinh cũng từng giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Giao dịch Hội sở Techcombank, Giám đốc Kinh doanh Vùng và sau đó là Phó tổng giám đốc Techcombank trong vòng 3 tháng.
HĐQT Eximbank cũng đã từng có Nghị quyết bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh làm Tổng giám đốc. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã không phê chuẩn do Nghị quyết bầu và hồ sơ trình lên không hợp lệ.
Trước khi ông Vinh giữ chức quyền Tổng giám đốc Eximbank thì ông Lê Văn Quyết là Tổng giám đốc của Eximbank. Đến tháng 4/2019, ông Quyết hết hạn hợp đồng lao động.
Biến động nhân sự cấp cao của Eximbank bắt đầu từ tháng 3/2019.
Trước đó vào tối muộn 22/3/2019, Eximbank bất ngờ phát đi thông báo thay đổi nhân sự ở cấp cao nhất- Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT).
Theo đó, bà Lương Thị Cẩm Tú được bổ nhiệm làm chủ tịch nhà băng này thay cho ông Lê Minh Quốc.
Bà Lương Thị Cẩm Tú (sinh năm 1980) được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI giai đoạn 2015-2020 sau khi trúng cử vào HĐQT của Eximbank hồi tháng 4/2018 và sau đó đã mua thành công gần 13,8 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 1,122% vốn.
Theo lý lịch trích ngang, bà Lương Thị Cẩm Tú sinh năm 1980 tại Khánh Hòa, có học hàm học vị là cử nhân chuyên ngành Quản lý kinh doanh (ĐH Văn Lang); thạc sĩ Quản trị kinh doanh (Griggs University). Bà Tú đã có hơn 15 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Ngay sau khi Eximbank công bố việc bầu bà Lương Thị Cẩm Tú, cựu CEO Nam A Bank, lên thay sau cuộc họp ngày 22/3. Ông Lê Minh Quốc - người vừa bị bãi nhiệm, đã có đơn gửi Toà án Nhân dân TP HCM đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, yêu cầu tạm thời dừng việc thực hiện Nghị quyết 112/2019/EIB/NQ-HĐQT ngày 22/3 của HĐQT Eximbank.
Lý do ông Lê Minh Quốc gửi đơn Tòa án nhân dân TP HCM vì cho rằng cuộc họp của HĐQTđể bầu bà Lương Thị Cẩm Tú là trái quy định pháp luật.
Được biết, trước khi nhận được thư triệu tập họp HĐQT vào ngày 19/3/2019, ông Quốc đã phản ánh tình hình Eximbank lên NHNN xin can thiệp “khẩn cấp và triệt để nhằm bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, giúp ổn định hoạt động của Eximbank nói riêng và đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia nói chung”.
Ngày 19/3/2019 Chánh Thanh tra, Giám sát NHNN đã yêu cầu Chủ tịch HĐQT, HĐQT Eximbank gửi toàn bộ hồ sơ tài liệu về Ngân hàng Nhà nước để được xem xét và giải quyết.
Ông Quốc cũng cho biết ngày 20/3/2019 đã có văn bản yêu cầu không thực hiện cuộc họp HĐQT vào ngày 22/3/2019 nhưng cuộc họp vẫn diễn ra do 5 thành viên HĐQT tổ chức cuộc để bầu bà Lương Thị Cẩm Tú thay thế làm Chủ tịch HĐQT Eximbank.
Về phía Eximbank, ngân hàng cho biết, ngày 22/3/2019 HĐQT đã tổ chức họp phiên để bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú - Thành viên HĐQT giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank theo đúng quy định của Luật doanh nghiệp (Điều 53) và theo điều lệ Eximbank (Điều 44).
Ngày 27/3/2019, Toà án nhân dân TP HCM đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp, yêu cầu Eximbank tạm dừng việc miễn nhiệm và bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT ngân hàng.
Đáp lại, Eximbank lên tiếng cho rằng, đã thực hiện quy trình miễn nhiệm và bổ nhiệm đúng luật. Ngân hàng này sẽ sử dụng các biện pháp hợp pháp, kiến nghị hủy bỏ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án.
Trúc Mai