Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 32.400 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 33.000 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 32.800 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 32.700 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 32.600 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 32.800 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 32.700 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 32.600 đồng/kg. Hôm nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm giữ ổn định.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2020, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2021 tăng 10 USD/tấn (0,73%), giao dịch ở mức 1.374 USD/tấn, giao tháng 3/2021 tăng 10 USD/tấn (0,73%), giao dịch ở mức 1.386 USD/tấn. Tại sàn New York ở Mỹ, giá cà phê Arabica giao tháng 3/2021 tăng 2,85 cent/lb (2,27%) ở mức 128,25 cent/lb, giao tháng 5/2021 tăng 2,85 cent/lb (2,24%) ở mức 130,15 cent/lb.
Năm 2020 được đánh giá là một năm khó khăn của xuất khẩu cà phê. Theo Sở Công thương Lâm Đồng, dự ước sản lượng xuất khẩu cà phê nhân năm 2020 của tỉnh đạt 112.989 tấn, giá trị 184,1 triệu USD, giảm 7,94% về lượng và 13,49% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, một số thị trường tiêu thụ chủ yếu vẫn là: Tây Ban Nha, Ý, Hàn Quốc, Đức, Anh, Trung Quốc, Úc, Đan Mạch, Ấn Độ, Tunisia, Ukraina, Malaisia, Mỹ... Mặt hàng cà phê xuất khẩu tuy có giảm về sản lượng lẫn về giá trị nhưng vẫn dẫn đầu trong nhóm mặt hàng xuất khẩu nông sản chủ lực của Lâm Đồng.
Nhận định trong thời gian tới, các chuyên gia cho biết tại nhiều quốc gia, nhất là các nước châu Âu đang đứng trước nguy cơ đối mặt với làn sóng thứ 3 bùng phát dịch Covid-19. Nhưng tình hình nhập khẩu cà phê tại một số nước châu Âu hay Mỹ trong 3 tháng cuối năm vẫn cho thấy những dấu hiệu khả quan, do tăng cường nhập khẩu vào đầu năm 2021. Cà phê cũng là một trong những mặt hàng có mức tiêu thụ cao tại các thị trường này, đặc biệt là cà phê rang xay, hòa tan đang được các nước trên thế giới ưa chuộng do nhu cầu thưởng thức tại nhà tăng cao. Đây cũng vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho cà phê Robusta.
Tuy nhiên việc thiếu container rỗng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu hàng hóa. Từ thực tế trên, thời gian qua một số doanh nghiệp đã chuyển chiến lược tăng khai thác vào thị trường nội địa.
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, thời điểm cách đây 5 - 10 năm, tiêu thụ cà phê nội địa chỉ đạt 6 - 7% sản lượng và 0,5 kg/đầu người/năm. Đến nay, tiêu thụ nội địa của Việt Nam đã tăng mạnh. Với sự đầu tư của các doanh nghiệp, cũng như hệ thống thị trường tiêu thụ để tạo kích cầu tiêu thụ cà phê Việt Nam, tiêu thụ của nội địa tăng lên từ 7% lên đến trên dưới 13% sản lượng cà phê của cả nước, đạt khoảng 200.000 tấn/năm, bình quân đầu người đã đạt trên dưới 2 kg/người/năm so với trước đây.
Tại Lâm Đồng, nông dân bán cà phê tươi cho thương lái thì giá chỉ từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, nhưng nếu được đầu tư chế biến sâu, mỗi kg cà phê nhân của vùng Cầu Đất sẽ được các công ty thu mua với giá trên dưới 80.000 đồng/kg. Chính vì vậy, đầu tư phát triển chế biến sâu, giảm dần tỷ lệ xuất khẩu thô, tham gia dẫn dắt các chuỗi giá trị cà phê nội địa đang là xu hướng được doanh nghiệp cà phê hướng đến.
Trúc Mai