Cụ thể, giá cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại tỉnh Lâm Đồng tăng 1.500 đồng/kg, hiện ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà được thu mua với giá từ 54.800 – 54.900 đồng/kg.
Giá cà phê tại tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum tăng 1.400 đồng/kg, đứng ở mức giá 55.200 đồng/kg.
Tại tỉnh Đắk Nông, cà phê được thu mua ở mức 55.300 đồng/kg, tăng 1.400 đồng/kg.
Giá cà phê hôm nay tại tỉnh Đắk Lắk tăng 1.500 đồng/kg, tại huyện Cư M'gar giá cà phê hiện ở mức 55.200 đồng/kg. Còn tại huyện Ea H'leo, thị xã Buôn Hồ được thu mua cùng mức 55.300 đồng/kg.
Theo chuyên gia, thị trường toàn cầu ghi nhận nguồn cung Robusta tạm thời khá căng thẳng do nhu cầu tiêu thụ loại cà phê này gây ra sự thiếu hụt cục bộ. Trong thời gian tới, giá cà phê Robusta còn sẽ có xu hướng đi lên khi nguồn cung cà phê Robusta tại Đông Nam Á, cụ thể là Việt Nam dường như đã cạn kiệt.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu cà phê Việt Nam trong tháng 4 chỉ đạt 163.607 tấn, giảm 22,23% so với tháng trước, đưa xuất khẩu cà phê 4 tháng đầu năm lên đạt tổng cộng 716.580 tấn (khoảng 11,94 triệu bao), giảm 5,53% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này đã khiến thị trường tiếp tục đứng trước khả năng thiếu hụt nguồn cung Robusta trong ngắn hạn. Hiện tại, giá cà phê trong nước và quốc tế đang ở mức cao so với nhiều năm trở lại đây, tạo cơ hội để Việt Nam có thể duy trì mức kim ngạch xuất khẩu cà phê trên 4 tỷ USD, kỷ lục được thiết lập vào năm 2022.
Bên cạnh hỗ trợ từ nguồn cung khan hiếm, ưu thế giá thành rẻ hơn so với cà phê Arabica mở ra lợi thế cạnh tranh cho cà phê Robusta trong bối cảnh gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế trên thế giới. Đây cũng là nhân tố quan trọng tạo tiền đề đẩy mạnh xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Phương Thảo