Cụ thể giá cà phê trong nước ghi nhận tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc Lâm Đồng, giá cà phê thu mua ở mức 35.600đ/kg.
Tại tỉnh Đắk Lắk giá cà phê đang được thu mua quanh ngưỡng 36.400-36.500đ/kg. Cụ thể, huyện Cư M’gar giá cà phê thu mua ở mức 36.500đ/kg , tại Ea H’Leo Buôn Hồ giao dịch ở mức 36.400đ/kg.
Tại Đắk Nông, các thương lái đang thu mua ở mức 36.300-36.400đ/kg.
Tương tự tại hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum cũng giao dịch quanh mức 36.300-36.400đ/kg.
Trên thế giới, kết thúc phiên đóng cửa tuần trước (6/8), giá cà phê trên các sàn giao dịch phái sinh đồng loạt giảm. Trong đó, cà phê robusta giảm giá khá mạnh. Giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 9 giảm 21 USD (1,19%), giao dịch tại 1.743 USD/tấn; Trong khi vẫn giữ nguyên hiện tượng giá đảo, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 11 cũng giảm 28 USD (1,57%), xuống 1.754 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng khá.
Trong khi đó, giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York chỉ điều chỉnh giảm nhẹ. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 9 giảm 0,9 Cent (0,51%), giao dịch tại 176 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 cũng giảm 0,85 Cent (0,47%), xuống 179,05 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng rất mạnh.
Kết thúc tuần giá cà phê roubusta tại London giao tháng 9/2021 giảm 43 USD/tấn, giao tháng 11/2021 giảm 47 USD/tấn. Giá cà phê arabica giao tháng 9/2021 giảm 3.55 Cent/lb, giao tháng 12 giảm 3.4 Cent/lb.
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận định, giá cà phê thế giới có xu hướng tăng trong thời gian tới.
Thứ nhất, nguồn cung hạn chế trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Giá cước vận chuyển các tuyến châu Á sang châu Âu và Bắc Mỹ tiếp tục tăng cao, tình trạng thiếu container chưa khắc phục được mà còn có khả năng tiếp tục kéo dài.
Thứ hai, tình hình thời tiết sương giá tại Brazil làm sản lượng vụ thu hoạch xuống khoảng 1% và sản lượng của niên vụ sau cũng chịu ảnh hưởng, khiến nguồn cung nhiều khả năng vẫn giảm như nhiều dự đoán trước đó.
Về phần nhà cung cấp Việt Nam, cũng là một trong những nước xuất khẩu cà phê lớn hàng đầu thế giới - đang giảm hàng tồn kho. Chính vì thế, các chuyên gia tin rằng diễn biến bán tháo hàng hóa chốt lời như những phiên cuối tuần này khiến thị trường tin tưởng vào tuần sau phục hồi mạnh mẽ hơn.
Đối với ngành cà phê Việt Nam, diễn biến phức tạp của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 khiến hoạt động sản xuất cũng như thu hoạch gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn tăng nhập khẩu cà phê từ các thị trường khác nhưng lại giảm từ Việt Nam. Tình trạng thiếu container rỗng kéo dài và giá cước phí tăng cao làm giảm sức cạnh tranh của mặt hàng cà phê Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu.
Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ và châu Âu sẽ vẫn gặp khó khăn trong ngắn hạn. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, xuất khẩu cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ tăng mạnh trở lại.
Thành Nam